Sau gần 14 năm, Luật Viễn thông đã tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng và thị trường viễn thông, Internet. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn chuyển đổi số nhanh, đất nước cần hạ tầng số mới để phát triển kinh tế số. Trong đó, Internet và điện toán đám mây, dữ liệu lớn... sẽ là hạ tầng xương sống.
Nếu như năm 2020 - 2021, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam mới đạt khoảng hơn 191 triệu USD, dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt 400 - 700 triệu USD. Tiềm năng thị trường rất lớn nhưng hạ tầng để phát triển dữ liệu số lại chưa theo kịp.
Ông Aam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho rằng: "Bài toán đặt ra là phải có cơ sở hạ tầng tương xứng đặt ngay tại Việt Nam. Cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tham gia, để cùng với doanh nghiệp nội địa cung cấp các hạ tầng này cũng như đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu trên không gian số".
Hiện có những lo ngại khi 80% quy mô thị trường thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, gây sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều loại hình khai thác, kinh doanh dữ liệu số để doanh nghiệp tham gia. Vấn đề là chính sách tạo cơ chế khuyến khích cần phù hợp cho doanh nghiệp trong mỗi nhóm dịch vụ này.
Cho đến nay, các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể. Do vậy, theo các chuyên gia, Luật Viễn thông (sửa đổi) cần tính toán kỹ, một mặt đảm bảo quản lý nhà nước theo kịp với tốc độ phát triển các dịch vụ này, mặt khác tránh chồng chéo về quy định dữ liệu của các luật chuyên ngành khác.
Khi bước vào giai đoạn chuyển đổi số, chúng ta cần hạ tầng số mới. Như vậy, khuôn khổ pháp luật và các chính sách cần tạo điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy tối đa lợi thế năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng như tận dụng, phát huy lợi thế công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!