Tỷ lệ người khuyết tật ở nước ta chiếm hơn 7% dân số với hơn 7.000.000 người, có khoảng 700.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2024, hệ thống pháp luật và các chính sách an sinh xã hội, quyền của người khuyết tật đang được tiếp tục nỗ lực hoàn thiện, trong đó phải kể đến việc Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 đạo luật, trong đó có lồng ghép các quy định để bảo vệ quyền của người khuyết tật trong nhiều lĩnh vực. Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội, nhà nước đã tăng mức hỗ trợ cho người khuyết tật từ 300.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, điều mà người khuyết tật cần hơn là sinh kế ổn định.
Tỷ lệ người khuyết tật ở nước ta chiếm hơn 7 % dân số, trong đó có khoảng 700.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo
Việc hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật được xác định là một giải pháp quan trọng, tạo cơ hội để người khuyết tật tự chủ, bền vững giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, con đường tìm việc của người khuyết tật lại đang gặp rất nhiều rào cản, chỉ có chưa đến 1/3 số người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu nhận người khuyết tật vào làm việc chung với các lao động bình thường nhưng con số này chưa nhiều và mỗi doanh nghiệp cũng chỉ có khoảng 3 đến 5 người khuyết tật.
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, từ năm 2010, khi Luật Người khuyết tật được ban hành và có hiệu lực, các chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng người khuyết tật đã được quy định rất rõ ràng và cụ thể. Theo đó, các doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi như hỗ trợ thuê mặt bằng, mặt nước; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có ít nhất 30% lao động là người khuyết tật; hỗ trợ đào tạo nghề; cải tạo, sửa chữa nơi làm việc cho phù hợp với người khuyết tật.
"Trên thực tế, người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Vấn đề này xuất phát từ cả hai phía. Về phía doanh nghiệp, không phải cơ sở nào cũng có công nghệ, điều kiện sản xuất hoặc sản phẩm phù hợp để tuyển dụng người khuyết tật, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt và công nghệ liên tục đổi mới. Về phía người khuyết tật, họ cũng gặp những hạn chế nhất định như trình độ học vấn, sức khỏe hoặc tay nghề so với lực lượng lao động nói chung, nên việc đáp ứng yêu cầu công việc cũng khó khăn hơn", ông Đàm chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Đàm, mặc dù đã có những quy định đầy đủ về chính sách vay vốn, nhưng vẫn tồn tại những khó khăn nhất định đối với người khuyết tật, đặc biệt là những người không thuộc diện hộ nghèo. Hiện nay, nhóm đối tượng này có thể vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua quỹ hỗ trợ việc làm. Tuy nhiên, họ phải tự đứng ra vay vốn mà không có sự bảo lãnh từ các tổ chức chính trị - xã hội. Nhu cầu vốn của người khuyết tật thường không lớn, vì họ chủ yếu làm các công việc thủ công, phù hợp với sức khỏe và thường làm việc tại nhà. Chỉ cần những khoản vay nhỏ, khoảng 5 – 10 triệu đồng, nhưng khi được hỗ trợ, họ có thể tăng năng suất lao động và thu nhập gấp đôi.
"Việc hỗ trợ vay vốn cho người khuyết tật rất khả thi và đảm bảo tính bền vững, bởi nhu cầu vốn không lớn và nguy cơ mất vốn thấp. Nếu có chính sách cụ thể hơn trong việc hỗ trợ vay vốn, nhiều người khuyết tật sẽ có cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập. Do đó, tôi đề xuất cần xem người khuyết tật là đối tượng ưu tiên như hộ nghèo. Khi đó, họ có thể vay vốn ngay tại xã, thông qua các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hoặc đoàn thanh niên có thể đứng ra bảo lãnh cho họ", ông Đàm bày tỏ.
Cuộc sống của người khuyết tật ngày nay đã thay đổi bởi sự phát triển không ngừng của công nghệ. Không thể phủ nhận công nghệ đã giúp cho họ giải quyết được những khó khăn trong học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người khuyết tật khởi nghiệp thành công nhờ sự trợ giúp của công nghệ. Thế nhưng, người khuyết tật lại phải đối mặt với nhiều thách thức như việc khó tiếp cận hay chi phí cao khi sử dụng công nghệ. Do đó, người khuyết tật làm quen được với công nghệ còn ở mức thấp.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 340.000 lao động trong các khu công nghiệp, nhưng chỉ có 200/9.000 lao động khuyết tật có khả năng làm việc trong các công ty
Ông Đàm cho rằng, trong kỷ nguyên số, để đảm bảo người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau, việc hỗ trợ họ tiếp cận công nghệ số là điều rất quan trọng. Qua thực tiễn triển khai, chúng tôi nhận thấy rằng lĩnh vực thương mại điện tử và bán hàng online có thể mang lại cơ hội sinh kế và thu nhập ổn định cho người khuyết tật.
"Cách đây ba tháng, Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã thí điểm tổ chức lớp đào tạo miễn phí về bán hàng online cho 50 người khuyết tật, kéo dài trong 7 ngày. Đến nay, 12 học viên đã thành thạo kỹ năng bán hàng online và bước đầu có công việc ổn định. Mặc dù thu nhập hiện tại chưa cao, chỉ khoảng 1,5 – 3 triệu đồng mỗi tháng, nhưng điều này mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho việc hỗ trợ người khuyết tật ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống", ông Đàm cho biết thêm.
Nhận thấy những kết quả tích cực từ chương trình, Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã quyết định tổ chức các lớp học thường xuyên hàng tháng. Đặc biệt, hội đã kết nối với các doanh nghiệp có thương hiệu và sản phẩm bán hàng trực tuyến để đồng hành cùng chương trình. Nhờ đó, học viên không chỉ được học lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành bán hàng thực tế ngay trong khóa học. Sau khi nắm vững kỹ năng, họ có thể tiếp tục bán hàng với nguồn sản phẩm ổn định từ các doanh nghiệp và tạo ra thu nhập bền vững.
Các bạn nhỏ khuyết tật và tự kỷ tại trung tâm SEED CENTER được tham gia vào lớp học, làm việc với máy tính, phần mềm chỉnh sửa ảnh
"Việc gia tăng hàm lượng chất xám trong đào tạo nghề cho người khuyết tật là một hướng đi rất hiệu quả. Điều này giúp họ từng bước tiếp cận kiến thức và kỹ năng cần thiết dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia, doanh nhân, và những người bán hàng thành công. Từ khóa học thứ hai, chúng tôi sẽ kéo dài chương trình đào tạo trong vòng một tháng, bao gồm nhiều nội dung thiết thực, giúp học viên không chỉ thành thạo kỹ năng bán hàng online mà còn biết cách sử dụng mạng xã hội như TikTok để giới thiệu bản thân và sản phẩm. Họ sẽ được hướng dẫn cách khai thác các nền tảng trực tuyến một cách hiệu quả, chuyên nghiệp. Việc hỗ trợ vốn không lãi suất trong một thời gian nhất định cũng rất cần thiết, giúp người khuyết tật có thể trang bị các thiết bị và phương tiện làm việc", ông Đàm nhấn mạnh.
Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật vào năm 2007, hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam cũng đang ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm quyền bình đẳng và hòa nhập của nhóm này trong xã hội. Do đó, cơ hội việc làm của nhóm đối tượng này cũng cần phải ở mức tương đương với những người lao động bình thường trong xã hội. Những chính sách việc làm cụ thể đối với người khuyết tật cần thiết phải đưa vào thành một quy định cụ thể trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Có như vậy mới tạo được cơ hội để người khuyết tật tự chủ, bền vững, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội và hoàn toàn có thể đóng góp vào thị trường việc làm của cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!