Theo ước tính, Hà Nội có khoảng 400 dự án "treo" với quy mô đất đai lên tới hàng ngàn ha. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển đô thị và tạo nguồn thu cho thành phố. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay các dự án này vẫn án binh bất động.
Mô hình điểm khơi thông nguồn lực từ các dự án "treo"
Mới đây, huyện Mê Linh, Hà Nội đã tiến hành rà soát và tái khởi động 6 dự án đô thị đã "treo" cả chục năm trời, dự kiến chỉ riêng 6 dự án này, các chủ đầu tư sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương số tiền sử dụng đất gần 5.000 tỷ đồng
Sau 10 năm "treo" vì vướng mắc cả yếu tố chủ quan từ phía chủ đầu tư và khách quan do nhiều thủ tục hành chính phải điều chỉnh vì sáp nhập địa giới hành chính, dự án 55ha Tổ hợp nhà ở tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh đã chính thức khởi công.
5 dự án khu đô thị nghìn tỷ khác cũng "treo" trên 10 năm cũng được tháo gỡ các vướng mắc để khởi động lại.
"Nếu gỡ được trong 2022 thì chúng tôi đã thu được cái ngân sách cho địa phương, cho huyện chúng tôi là gần 5000 tỷ đồng, mà đấy mới là chỉ có 6 DA. Chưa nói đến cái việc mà cả 2400 ha đất đô thị ở ML 10 năm qua nằm chết như vậy. DN cũng không đóng được nguồn lực gì cho địa phương cả. Cho nên kinh nghiệm của chúng tôi là nếu cùng đồng hành với DN thì kiểu gì cũng gỡ được", ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Huyện ủy Mê Linh, Hà Nội, cho biết.
Sau rà soát, huyện Mê Linh có tới 47/64 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai hơn 10 năm, và huyện đang kiến nghị với thành phố sẽ tiếp tục thu hồi đất của hơn 20 dự án "treo". Huyện này cũng trở thành mô hình điểm của TP Hà Nội trong việc gỡ vướng cho các dự án "treo" để khơi thông nguồn lực từ đất.
"Phải làm sạch các cái vấn đề sai phạm để lựa chọn các nhà đầu tư, chủ đầu tư mới có năng lực. Cần phải là đấu thầu đấu giá, không có giao theo kiểu như ngày xưa ban phát chỉ định dẫn đến nhiều hệ lụy là có nhiều chủ đầu tư không có năng lực, hoặc không thể thực hiện nhưng vẫn nhận đất rồi để đó", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định.
Hiện TP Hà Nội có tới hơn 400 dự án chậm triển khai, trong đó hàng trăm dự án "treo" vài thập kỷ sau 2 năm thực hiện phân loại, tới đây, các sở ngành chức năng sẽ thực hiện thu hồi những dự án có chủ đầu tư không đủ năng lực và và sẽ tìm chủ đầu tư mới thông qua hình thức đấu thầu, đấu giá.
Thanh tra, rà soát các dự án treo lâu năm
Muốn tái sinh được nguồn lực từ đất của các dự án "treo", việc rà soát, thanh kiểm tra lúc này là vô cùng cần thiết, bởi có vậy mới xác định đúng các vướng mắc để tháo gỡ, đúng năng lực của các chủ đầu tư, đúng đối tượng dự án cần thu hồi đất.
Qua tổ chức thanh tra, kiểm tra tổng số 404 dự án chậm triển khai có 96 dự án đã khắc phục đưa đất vào sử dụng, đề nghị đưa ra ngoài danh sách chậm triển khai, sử dụng đất vi phạm. 29 dự án kiến nghị thu hồi, bãi bỏ quyết định.
60 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố đã quyết định gia hạn 24 tháng và xác định số tiền phải nộp thêm trong thời gian gia hạn với tổng số tiền 209,346 tỷ đồng.
219 dự án có các vi phạm khác đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.
Giữa tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01 yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích gây lãng phí đất đai.
Quỹ đất để phát triển hạ tầng có hạn, nhưng diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu m2. Điều này đang cho thấy những bật cập lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, trực tiếp bóp nghẹt nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Câu chuyện về tái sinh 6 dự án đã từng coi là dự án "treo" tại Hà Nội là bài học cần nhân rộng ra nhiều địa phương để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
Việc tái khởi động các dự án treo có tầm quan trọng thế nào đối với các địa phương? Công tác thu hồi đất đối với những dự án treo lâu năm gặp phải những khó khăn gì về mặt pháp lý? Thời gian tới đây các địa phương cần triển khai những công việc gì để hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai ở các dự án treo?
Những thắc mắc trên được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (28/4), với sự tham gia của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mời quý vị theo dõi video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!