Tai nạn lao động - Gánh nặng gia đình, xã hội

Nguyễn Điền - Hồng Ân - Minh Quân-Thứ ba, ngày 18/05/2021 13:38 GMT+7

VTV.vn - Tai nạn lao động đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi trung bình mỗi năm có hàng trăm người người thiệt mạng, hàng ngàn người thương tật vĩnh viễn.

Hệ lụy từ tai nạn lao động không chỉ là gánh nặng cho xã hội, cho doanh nghiệp mà trước hết, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, đời sống hàng ngày của chính họ và những người thân trong gia đình.

Hệ lụy tai nạn lao động

Cả đời làm công nhân vất vả, đến tuổi nghỉ ngơi, ông Đực lại khốn khổ vì di chứng tai nạn lao động. Do bị trấu bay vào mắt, thị lực của ông gần như mù lòa. Sinh hoạt hàng ngày phải trông cậy hết vào người vợ vốn cũng đã già yếu.

Tai nạn lao động - Gánh nặng gia đình, xã hội - Ảnh 1.

Ông Nam ở Long An (TP. Tân An, Tỉnh Long An) cũng có hoàn cảnh tương tự. Con trai ông, lao động chính duy nhất trong nhà, đã thiệt mạng vì một vụ tai nạn lao động nổ bình hơi 3 năm trước. Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, nên khi anh gặp nạn, cha mẹ chỉ còn biết cắn răng chịu đựng.

"Sau này con cháu của tôi mà đi làm thì phải có hợp đồng lao động, có bảo hiểm này kia để có rủi ro hay tai nạn gì mình cũng được hưởng chính sách. Còn cái này nó không có hợp đồng gì hết, làm ngày nào ăn ngày nấy, thành ra không có thì phải đau lòng chứ", ông Võ Thành Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Hiện nay, hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều đối tượng lao động chưa được người sử dụng lao đông thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định pháp luật".

Trung bình mỗi năm có khoảng 900 người thiệt mạng vì tai nạn, hàng ngàn người thương tật vĩnh viễn. Nhưng đấy mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Rất nhiều lao động không có hợp đồng, không có bảo hiểm, chẳng may gặp tai nạn thì chỉ còn biết âm thầm chịu đựng. Trong khi, là những người đang trong độ tuổi lao động, phần lớn họ cũng chính là trụ cột của cả gia đình.

Tai nạn lao động - Gánh nặng gia đình, xã hội - Ảnh 2.

Năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động làm 8.610 người bị nạn. 919 người thiệt mạng. Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động chỉ trong vòng 1 năm 2020 là trên 6.000 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản trên 3.883 tỷ đồng.

Trong tổng số các vụ tai nạn lao động vào năm ngoái, có tới 45% có nguyên nhân là do người sử dụng lao động. Trong đó có thể kể ra như không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động cho công nhân chưa đầy đủ, sử dụng trang thiết bị không bảo đảm an toàn... Các quyền lợi trên hợp đồng lao động, hay bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người sử dụng lao động.

Trong năm nay, Bộ Lao động thương binh xã hội đã tổ chức hằng trăm cuộc kiểm tra thực tế để xử lý tình trạng vi phạm cũng như kịp thời biểu dương doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.

Còn lệ thuộc nhiều vào trách nhiệm của người sử dụng lao động

Chị Nguyễn Thị Kim Trang (ở Châu Thành, Tiền Giang) làm công nhân cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hơn 3 năm. Không may tay chị bị cuốn vào máy, tỷ lệ thương tật 36% khiến chị gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Tương tự, chị Ngọc bị tai nạn lao động thương tật 42%. Bàn tay không còn làm việc được như trước. Tuy nhiên nhờ có hợp đồng lao động, có bảo hiểm xã hội, các chị đã được đơn vị sử dụng lao động bố trí lại một công việc khác phù hợp. Ít nhất cũng còn giữ được công ăn việc làm, đồng nghĩa với một cơ hội mưu sinh.

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Khi có công nhân, người lao động trong đơn vị xảy ra sự cố thì chăm lo quan tâm đầu tiên là về mặt tinh thần. Cộng với điều kiện vật chất cho phép để làm sao cho người lao động vượt qua khó khăn. Sắp xếp bố trí công việc hợp lý cho người ta cống hiến, chứ không có nghĩa anh là người sử dụng lao động, tôi là người lao động mà rủi ro tôi bị tai nạn lao động là anh sa thải tôi luôn".

Tai nạn lao động - Gánh nặng gia đình, xã hội - Ảnh 3.

Trong tháng 5, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều hoạt động tăng cường đánh giá, kiểm soát, các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Tùy theo đặc thù công việc sẽ có những quy định cụ thể, không chỉ bảo vệ người lao động mà còn liên quan đến tiền lương, phụ cấp độc hại, bảo hiểm lao động, thời gian nghỉ ngơi cho họ.

Những con số về tai nạn lao động hiện nay mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Chính lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động thương binh xã hội cũng thừa nhận, còn rất nhiều vụ tai nạn lao động đã không được báo cáo lên, khi doanh nghiệp tìm cách bưng bít với người lao động. Giải quyết những bất cập này chắc chắn là nhiệm vụ mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính đến mà không chỉ gói gọn trong 1 "Tháng an toàn lao động" nào cả.

Năm 2020, tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng Năm 2020, tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng

VTV.vn - Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2020 là trên 6.000 tỷ đồng. Còn thiệt hại về tài sản gần 4.000 tỷ đồng - thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước