Người làm công ăn lương phải được đảm bảo điều kiện làm việc an toàn là điều được quy định rõ trong hiến pháp. Hệ thống luật và quy định về an toàn lao động hiện cũng rất đầy đủ nhưng tỷ lệ tai nạn vẫn ở mức cao, cho thấy thực tế còn rất nhiều vấn đề cần thay đổi.
Các ngư dân luôn phải đối mặt với rủi ro khi đi biển nhưng đa số là lao động tự do, không hợp đồng lao động.
Một ví dụ điển hình là trong nghề cá. Hầu hết ngư dân và những người làm dịch vụ hậu cần đều thiếu các phương tiện bảo hộ lao động, không được tập huấn, huấn luyện an toàn. Đa phần làm việc theo kiểu thuê mướn tự do, không hợp đồng lao động. Trong khi đó, sự nguy hiểm khắc nghiệt của nghề này thì ai cũng rõ.
Tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát, hầu hết người bị tai nạn lao động đều không có hợp đồng lao động, không bảo hiểm tai nạn. Điều này trùng khớp với con số thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, rằng có tới 2/3 lực lượng lao động hiện nay đang làm việc trong khu vực, lĩnh vực không có quan hệ lao động.
Nhiều vụ tai nạn lao động đã xảy ra do sự chủ quan.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết: "Nhiều người rất chủ quan, biết nguy hiểm nhưng lại tự biện minh rằng làm cái nghề này, việc này đương nhiên phải như vậy. Chúng ta phải thay đổi cái sự chấp nhận đấy".
Cũng theo ông Thơ, đây sẽ là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Nhằm thực thi nghiêm túc Bộ Luật Lao động mới có hiệu lực từ 1/1/2021 và các quy định được cụ thể hóa từ Luật An toàn vệ sinh lao động và nhiều chỉ đạo sát sao từ chính phủ.
Ngoài ra, các giải pháp an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh, hiện Chính phủ đã có dự thảo chính sách mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho những người lao động tự do. Ngoài ra, họ cũng có thể tham gia các loại hình bảo hiểm thương mại, để giảm gánh nặng khi không may gặp tai nạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!