Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế, xã hội, nhưng những năm gần đây, nhiều diện tích rừng vẫn tiếp tục suy giảm và biến mất, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.
Cồn Lu thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nằm ở cửa sông ven biển, nơi sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ. Nơi đây là lá chắn đầu tiên để bảo vệ vùng lõi, khu vực rừng ngập mặn của Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Tuy nhiên, tác động của triều cường đã khiến dòng chảy ở đây thay đổi. 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, rất nhiều diện tích rừng ngập mặn, rừng phi lao đã bị chết, đổ. Bãi bồi của rừng ngập mặn và phi lao này đã bị nước biển xâm lấn vào khoảng 50-70 m, thậm chí 100m.
Hiện nay, nhiều bãi bồi, vốn là nơi nuôi trồng thủy sản của người dân ở địa phương ven biển cũng bị sạt lở. Một vài khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nơi ươm giống thủy hải sản bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Đầu năm 1989, vùng đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc huyện Xuân Thuỷ gia nhập Công ước Ramsar về bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi di trú của những loài chim nước.
Đây là Ramsar thứ 50 của thế giới, đầu tiên của Đông Nam Á và đầu tiên của Việt Nam Nhưng diện tích rừng trên cát mỗi năm đều giảm, riêng 2 năm trở lại đây đã giảm mất 5ha.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!