Tròn hai tuần kể từ khi nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành, ý thức tuân thủ Luật Giao thông của đa số người dân đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít trường hợp vi phạm, bao gồm cả các rất lỗi sơ đẳng hoặc hành vi bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dừng chờ đèn đỏ, nhiều lái xe vẫn đứng quá vạch quy định. Theo nguyên tắc, hành vi này có thể bị xử phạt lên đến 6 triệu đồng đối với xe máy vì không tuân thủ tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở thay vì xử phạt.
Vẫn còn nhiều trường hợp người dân vi phạm an toàn giao thông
Thống kê cho thấy, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 22.500 trường hợp vi phạm giao thông trong hai tuần qua. Cụ thể, hơn 8.600 phương tiện đã bị tạm giữ, trong đó hơn 94% là xe máy, tước giấy phép lái xe của 3.800, trừ điểm trong giấy phép lái xe của 280 người. Lỗi vi phạm phổ biến nhất là vi phạm nồng độ cồn. Tại Hà Nội, số vụ vi phạm ghi nhận được là hơn 8.400 trường hợp.
"Trong gần nửa tháng qua, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người dân đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, số lượng vi phạm vẫn còn khá cao. Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn nằm ở ý thức và thói quen của người tham gia giao thông. Khi có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát giao thông, người dân tuân thủ rất nghiêm túc, nhưng khi không có sự giám sát, một số người lại có xu hướng quay trở lại các thói quen cũ, chẳng hạn như vượt đèn đỏ. Những thói quen này không thể thay đổi ngay lập tức mà cần có thời gian", Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ về ý thức của người dân khi gia giao thông thời gian vừa qua
Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội có hơn 800 nút đèn tín hiệu giao thông, trong đó 531 nút sử dụng đèn ba màu, được lắp đặt qua nhiều giai đoạn với công nghệ từ Úc, Pháp, và gần đây nhất là công nghệ trong nước. Do sự đa dạng công nghệ và thời gian sử dụng khác nhau, tình trạng trục trặc kỹ thuật trong quá trình vận hành là khó tránh khỏi. Phần lớn các lỗi như việc đèn chuyển từ xanh sang đỏ hoặc ngược lại không đồng bộ với đèn đếm ngược thường xảy ra trong quá trình chuyển đổi chu kỳ đèn, đặc biệt là khi giao thông chuyển từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ về thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội hiện nay
"Pháp luật nhằm giáo dục ý thức người dân và việc xử lý cần phân loại rõ ràng. Nếu lỗi do người tham gia giao thông cố ý vi phạm, như vượt đèn đỏ, cần xử phạt nghiêm. Tuy nhiên, nếu lỗi xuất phát từ nguyên nhân khách quan, như trục trặc tín hiệu giao thông, không nên xử phạt. Việc phân định rõ ràng sẽ đảm bảo tính thuyết phục và nhận được sự đồng thuận từ người dân", ông Tuyến chia sẻ thêm.
"Tại Hà Nội, các nút giao thông được lắp đặt camera giám sát không chỉ để xử phạt nguội mà còn theo dõi hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu. Trong quá trình xử phạt, cảnh sát giao thông và công an thành phố xem xét hình ảnh từ camera để đảm bảo việc xử lý vi phạm tuân thủ đúng quy định pháp luật, đồng thời kiểm tra kỹ để tránh xử phạt oan những trường hợp mà lỗi vi phạm xuất phát từ sự cố của đèn tín hiệu giao thông", ông Bảo cho biết.
Cũng theo ông Bảo, hiện nay, theo phân công của UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý tài sản, duy tu và duy trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông, Công an thành phố thực hiện việc quản lý, vận hành và điều chỉnh pha cũng như chu kỳ đèn tín hiệu. Chu kỳ và pha đèn được tính toán dựa trên lưu lượng phương tiện tại các hướng vào nút giao. Hệ thống này có thể được điều chỉnh linh hoạt theo mật độ giao thông, đặc biệt trong giờ cao điểm và thấp điểm. Khi xảy ra ùn tắc, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ có mặt tại hiện trường để hỗ trợ điều tiết nhằm giảm thiểu tình trạng kẹt xe tại các nút giao thông.
Trong những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngay cả những quãng đường ngắn cũng mất nhiều thời gian hơn bình thường, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để cải thiện tình trạng này, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai lắp đặt thêm đèn tín hiệu rẽ phải dành riêng cho xe máy tại các giao lộ có đèn đỏ. Giải pháp này nhằm tối ưu hóa luồng giao thông, giảm áp lực tại các điểm giao cắt và giúp việc di chuyển trở nên thuận lợi hơn.
Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai lắp đặt thêm đèn tín hiệu rẽ phải dành riêng cho xe máy tại các giao lộ có đèn đỏ
"Thành phố Hà Nội đã lắp đèn phụ rẽ phải từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trước tình trạng ùn tắc hiện nay, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai phối hợp với Công an thành phố rà soát các nút giao đủ điều kiện hạ tầng để lắp đặt thêm, tạo thuận lợi cho người dân và giảm ùn tắc giao thông", ông Bảo cho biết thêm.
Ông Bảo cho biết, khi xảy ra trục trặc hệ thống đèn tín hiệu, ngay sau khi nhận thông tin, Sở Giao thông Vận tải sẽ cử đội địa bàn phối hợp với Cảnh sát Giao thông và Công an thành phố để xử lý ngay. Nếu lỗi do mất điện hoặc vấn đề kỹ thuật khác, các đội sẽ nhanh chóng khắc phục và thông báo cho người dân về việc đã tiếp nhận thông tin, thời gian xử lý, giúp người tham gia giao thông điều chỉnh lộ trình phù hợp.
"Người dân cần chủ động tuân thủ luật giao thông ngay từ đầu để tránh vi phạm, kể cả khi có trục trặc kỹ thuật. Chẳng hạn, nếu đèn xanh còn 2 giây, nên dừng lại tại vạch chờ để không lo bị phạt nguội. Tuy nhiên, nhiều người thường vội vàng muốn tiết kiệm vài giây, dẫn đến vi phạm. Tôi khuyến khích người tham gia giao thông tự giác tuân thủ quy định để giảm rủi ro do lỗi tín hiệu hoặc bị xử phạt," ông Tuyến nói.
Người dân cần tuân thủ Luật giao thông giúp đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, còn góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh, hiện đại
Hiện nay, việc xây dựng, lắp đặt và duy tu hệ thống đèn tín hiệu giao thông thuộc trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố, trong khi vận hành, điều chỉnh thời gian tín hiệu đèn và quản lý hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông do Cục Cảnh sát Giao thông đảm nhiệm. Mới đây, tại Khánh Hòa, Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất bàn giao quyền vận hành và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn cho lực lượng Cảnh sát Giao thông nhằm tăng cường sự thống nhất và hiệu quả trong công tác điều hành giao thông.
"Tại Hà Nội, trách nhiệm đã được phân định rõ ràng. Việc chuyển toàn bộ trách nhiệm cho một cơ quan quản lý cần tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là về quản lý tài sản công, nên vấn đề này cần được cân nhắc kỹ lưỡng", ông Bảo nhấn mạnh.
Sau nhiều phản ánh từ người dân về bất cập tại hệ thống đèn tín hiệu giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống. Các cụm đèn bị hư hỏng sẽ được đề xuất sửa chữa, thay thế để đảm bảo người dân di chuyển thuận lợi và việc xử lý vi phạm giao thông được chính xác, đúng hành vi.
Mặc dù các quy định mới có thể gây bất tiện ban đầu, nhưng mục tiêu chung là đảm bảo an toàn giao thông. Việc tăng mức phạt nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật, đồng thời mang tính răn đe và cảnh báo. Bên cạnh đó, việc đầu tư, duy trì chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm đèn tín hiệu, làn đường, và camera giám sát, cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường giao thông an toàn và tiện lợi, bảo vệ quyền lợi của tất cả người tham gia giao thông. Sự tuân thủ pháp luật và hợp tác tự nguyện từ mỗi người dân sẽ là yếu tố quyết định thành công trong việc lập lại trật tự, an toàn giao thông lần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!