Sạt lở nghiêm trọng bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long

Quách Hằng-Thứ sáu, ngày 11/09/2020 14:01 GMT+7

VTV.vn - Sạt lở bủa vây miền Tây với quy mô lớn hơn và nhiều hơn so với những năm trước. Không đủ lực để giải quyết toàn bộ, nhiều địa phương chỉ còn biết xử lý chắp vá.

Hạn mặn vừa kết thúc để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề cho ĐBSCL. Khi mọi thứ đang dần ổn định, người dân nơi đây lại phải đổi mặt với tình trạng sạt lở diễn ra với quy mô lớn hơn và nhiều hơn những năm trước gấp nhiều lần.

Sạt lở nghiêm trọng tại Tiền Giang

Tiền Giang là nơi tình hình sạt lở kênh rạch đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa an toàn về đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt là thời điểm mùa mưa bão như hiện nay.

Cầu khỉ là một loại cầu vốn rất đặc trưng của khu vực đồng bằng sông nước. Thế nhưng tại Tiền Giang, một chiếc cầu dân sinh thay thế cho con đường bê tông đã bị sạt lở xuống sông do chính người dân làm để tạm lưu thông qua đoạn sạt hơn 100m.

Nếu như có chỗ người dân còn có thể gia cố lại để tạm lưu thông thì có nơi điều ấy dường như là khó có thể thực hiện bởi một bên là sông đang mùa nước lớn, còn một bên đã bị sạt ăn sâu vào tới tận cổng nhà. Người dân phải sử dụng dây thừng để níu lại phần đất của mình.

Theo thống kê, chỉ riêng huyện Châu Thành có đến 19 điểm sạt lở lớn, nhẹ nhất cũng 30m, nặng hơn nữa là cả trăm mét. Điểm chung của hầu hết các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là đê bao kết hợp giao thông nên khi sạt lở xảy ra không chỉ khiến lưu thông bị gián đoạn mà còn đe dọa hệ thống đê dẫn tới nguy cơ nước tràn vào bên trong là rất lớn.

Tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra nghiêm trọng ở rất nhiều nơi trên toàn tỉnh. Thậm chí có những đoạn đường chưa đầy 100m nhưng có đến 3 điểm sạt lở rất dày, nhiều nhà dân gần như bị cô lập.

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh có gần 100 điểm sạt lở.

Sạt lở nghiêm trọng bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Sạt lở dày đặc tại ĐBSCL

Sạt lở bủa vây miền Tây

Không chỉ Tiền Giang, sạt lở đang diễn ra hầu khắp các tỉnh ĐBSCL. Cà Mau, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre cũng là những tỉnh có diễn biến vô cùng khó lường. Từ đầu năm đến nay, tại mỗi tỉnh đều ghi nhận hàng chục điểm sạt lở lớn.

Hiện ĐBSCL có trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển; tổng chiều dài hơn 800 km. Trong đó có 63 điểm sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài lên tới 104 km. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Năm nào xâm nhập mặn càng khốc liệt thì sạt lở nặng hơn.

Các chuyên gia cho biết tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp là do các nguyên nhân chính sau đây:

- Biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino khiến khô hạn và ít mưa.

- Thượng nguồn của sông Mekong đã xây dựng hàng chục đập thủy điện, chặn nước lại, lượng phù sa về bồi đắp cho ĐBSCL gần như rất ít.

- Việc khai thác cát trái phép khiến phần đất bên dưới bị rỗng. Trong khi đó, diện tích rừng phòng hộ ngày càng giảm mạnh.

Sống chung với sạt lở

Sạt lở bủa vây và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa bao giờ cuộc sống của những người dân Đồng bằng sông Cửu Long lại xáo trộn đến vậy. Đường sá bị chia cắt, nhiều hoạt động bị cô lập, nhà cửa bị sạt trôi xuống sông. Thiệt hại vô cùng nặng nề. Người dân nơi đây chỉ còn biết chấp nhận những rủi ro của thiên tai, đồng thời tìm cách thích nghi, sống chung với sạt lở.

Ở xã Phú Phong, Châu Thành, Tiền Giang, nhiều nhà phải gia cố lại những khúc gỗ lót tạm trên đường đi. Mỗi lần có việc phải ra ngoài hoặc là đi bộ hoặc là dắt xe. Trong khi chờ đợi việc hoàn thiện đê bao, đây là cách duy nhất để nhiều người dân khác sống chung với tình trạng này.

Còn chủ một căn nhà sau đêm kinh hoàng chứng kiến nửa căn nhà của mình trôi xuống sông thì đành tiếp tục lựa chọn việc sống tiếp với nửa căn nhà còn lại, dẫu vẫn sợ nhưng cũng thành quen.

Nhiều nơi sạt lở khiến giao thông bị chia cắt, nhiều căn nhà trở nên cô lập, có người chọn cách rời căn nhà bao năm gắn bó để đảm bảo an toàn nhưng có những người vẫn cố bám trụ dù biết ở lại sẽ rất nhiều khó khăn.

Để có thể vào được những căn nhà bên trong, người dân bắt buộc phải di chuyển trên bờ đất nhỏ còn sót lại. Điều đó thực sự nguy hiểm đối nhưng đây cũng là cách mà người dân nơi đây sống chung với sạt lở suốt những năm qua.

Sạt đến đâu chống đến đó

Sạt lở nghiêm trọng bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Cách để người dân vào được nhà là làm những con đường tạm.

Người dân thì thế, còn chính quyền địa phương của các tỉnh ĐBSCL cũng đang tìm mọi cách để khắc phục và hạn chế những hậu quả đang xảy ra. Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, nhiều địa phương thừa nhận họ không đủ lực để xử lý đồng loạt mà chỉ có thể xử lý chắp vá.

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang nhận định, năm nay, tốc độ sạt lở diễn ra rất nhanh và nhiều, việc ứng phó chỉ có thể chắp vá và phải chọn lọc xử lý những nơi xung yếu trước chứ khó có thể đồng bộ.

Không chỉ bờ sông mà việc khắc phục sạt lở ở bờ biển cũng là điều nan giải của các địa phương khi rừng phòng hộ nhiều nơi đã biến mất, những công trình làm kè chắn vẫn đang được gấp rút thi công để chạy đua với tốc độ sạt lở.

Với tốc độ sạt lở 15 m/năm, ở thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ phía ngoài biển đã biến mất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân bên trong. Để hạn chế tốc độ sạt lở, địa phương đang đẩy mạnh hơn việc thi công những bờ kè.

Sạt đến đâu, chống đến đó, thậm chí chống cũng không theo kịp tốc độ sạt nên có lẽ tìm cách thích nghi để sống chung với sạt lở là lựa chọn tất yếu của cả chính quyền đến người dân nơi đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước