"Sao em vội lấy chồng?"

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 21/02/2024 13:09 GMT+7

VTV.vn - Tại một số địa phương vùng biên giới, vẫn còn những câu chuyện buồn của những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải làm vợ, làm mẹ với nhiều bi kịch.

Sao em vội lấy chồng? - Ảnh 1.

"Sao em vội lấy chồng?" là một câu hát kể về câu chuyện buồn của người thiếu nữ đi lấy chồng sớm. Và câu chuyện buồn đó cũng đang diễn ra tại các bản làng vùng núi cao ở nước ta. Nhiều học sinh đã bỏ ngang con chữ cùng bạn bè trang lứa, nhanh chóng kết hôn và sinh con khi chỉ mới 12, 13 tuổi, đặc biệt là dịp sau Tết Nguyên đán này.

Trong những năm qua, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc ngăn chặn nạn tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng Dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Các mục tiêu cụ thể được đề ra, giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn.

Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện đề án của Chính phủ, các địa phương đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục, phối hợp giữa gia đình, nhà trường, địa phương.

Nhìn chung, tỷ lệ tảo hôn được ghi nhận là có giảm dần qua các năm song để có thể xóa bỏ hoàn toàn thì vẫn còn là một chặng đường dài. Tại một số địa phương vùng biên giới, vẫn còn những câu chuyện buồn của những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải làm vợ, làm mẹ với nhiều bi kịch.

Những đứa trẻ ăn chưa no đã lo làm vợ làm chồng

Tại vùng rẻo cao huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, em Lầu Y Lỳ (Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) kể lại: "Em học ở trường Nậm Càn, quen nhau qua Facebook. Có nói là muốn gặp nhau không và qua buổi tối gặp nhau, về được 2 tuần thì lấy nhau. Hạnh nói là có đồng ý làm vợ anh không? Em nói là có, em theo Hạnh về".

Sao em vội lấy chồng? - Ảnh 2.

Em Lỳ và em Hạnh về ở với nhau đã được 3 tháng.

Em Lỳ và em Hạnh về ở với nhau đã được 3 tháng. Tình yêu mới vừa chớm nụ thì đã về ở một nhà. Hàng ngày vẫn đi học, mang trên mình chiếc áo đồng phục học sinh, cùng nét ngây thơ hồn nhiên của lứa tuổi cấp hai.

Cô Phan Hồng Văn, giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: "Qua các mạng thông tin đại chúng, đặc biệt điện thoại, di động hẹn hò, đến ngày đó hẹn nhau ra gặp và bắt nhau đưa về làm vợ, làm chồng. Thành vợ thành chồng thế thôi chứ cũng không ai đăng ký cho".

Cô Đặng Thị Ngân chia sẻ thêm: "Đi lấy chồng lấy vợ, lấy người mình yêu mà bố mẹ không cho là các em ăn lá ngón để tự tử. Nguy hại như thế nên nhiều khi gia đình không can thiệp được, chính quyền cũng không can thiệp được hết".

Ở Kỳ Sơn, những trường hợp lấy chồng từ thuở 13, 14 như em Sồng Y Dìa không hiếm. Năm 2023, trường THCS Na Ngoi cũng ghi nhận hơn 20 học sinh nghỉ học lấy chồng, nhiều nhất huyện này.

Sao em vội lấy chồng? - Ảnh 3.

Em Sồng Y Dìa lấy chồng từ thuở 13, 14

Thầy giáo Mùa Bá Dênh (Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An) nói: "Hủ tục của người Mông là khi đã đưa người con gái về nhà là phải lấy, phải cưới. Do đó đã đưa về thì không trả lại cho ông ngoại nữa. Lâu nay, nó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân".

Để thay đổi hủ tục ăn đã sâu bén rễ trong đời sống đồng bào là cả một quá trình. Thầy cô giáo đã dày công tới tận nhà để vận động các em đi học trở lại.

Đến với nhau rất đơn giản bằng tình yêu của tuổi mới lớn. Những đứa trẻ ăn chưa no đã lo làm vợ, làm chồng với gánh nặng hôn nhân và mưu sinh ở phía trước.

Thay đổi hủ tục tảo hôn là cả hành trình dài

Vào đợt dịch bệnh từ năm 2020 - 2023, tảo hôn có dấu hiệu tăng lên tại một số địa phương. Điểm nóng có tỷ lệ tảo hôn cao trong cả nước phải kể đến Tây Nguyên, trung du miền núi phía Bắc và các huyện miền núi dọc miền Trung. Tuổi trung bình kết hôn trong các vụ tảo hôn là 17,5 với nam trong khi nữ là hơn 15,8 tuổi.

Riêng tại huyện Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn này, có gần 750 trường hợp tảo hôn, chủ yếu đến từ đồng bào dân tộc Mông. Tập trung nhiều ở các xã Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Càn, Đọoc Mạy, Nậm Cắn.... Huyện Kỳ Sơn là địa phương nóng nhất về tình trạng tảo hôn của tỉnh Nghệ An trong vài năm trở lại đây.

Đặc biệt, với các em học sinh cấp THCS, bắt đầu tuổi dậy thì, học bán trú và sống xa gia đình là môi trường lý tưởng để nảy nở tình yêu sớm và khó kiểm soát nếu không có người lớn quản lý.

Tại trường dân tộc bán trú, học sinh sinh hoạt cùng nhau, ăn ở tập trung, buổi tối học. Các thầy cô giám sát nhiều nhưng không thể ngồi bên cạnh sát cánh cùng các em được.

Sao em vội lấy chồng? - Ảnh 4.

Ngoài việc dạy học ra, các giáo viên còn làm thêm nhiệm vụ kèm cặp học sinh của mình

"Dự (trông nom) một đứa con đã khó rồi. Các thầy các cô như cha mẹ, dự mấy trăm học sinh như vậy là rất khó. Các bạn đến độ tuổi yêu đương dùng điện thoại hẹn hò nhau, các bạn nữ nửa đêm trốn ra. Chỉ cho các em sử dụng điện thoại cục gạch, điện thoại cảm ứng là không cho… Vừa rồi nhà trường cũng đã làm văn bản phối hợp chính quyền xã, Quân đoàn 4 để phối hợp đảm bảo an ninh cho nhà trường" - ông Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết.

Ngoài việc dạy học ra, các giáo viên còn làm thêm nhiệm vụ kèm cặp học sinh của mình để các em đi đúng hướng và tập trung vào việc học hành. Thay đổi một hủ tục là cả hành trình dài với nhiều khó khăn và thử thách. Ngoài công tác giáo dục trong nhà trường, rất nhiều giải pháp, hoạt động tuyên truyền của các cơ quan đoàn thể đã được đưa ra, nhằm hạn chế tình trạng lấy vợ lấy chồng sớm.

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hội thi diễn kịch và thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được tổ chức tại nhiều huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Những thông điệp về lấy chồng sớm và hệ lụy của nó đã được lồng ghép trong các câu chuyện do chính học sinh và giáo viên đóng vai. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng của hàng nghìn học sinh tại các trường học bán trú ở các huyện miền núi.

Sao em vội lấy chồng? - Ảnh 5.

Theo thống kê sơ bộ sau Tết Nguyên đán, tại Nghệ An, số học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng là 10 em, giảm 20 em so với sau Tết năm 2023. Như huyện Kỳ Sơn đã giảm từ 27 cặp xuống còn 6 cặp, huyện Tương Dương giảm từ 3 cặp xuống còn 1 cặp.

Cuộc chia tay chóng vánh và những đứa trẻ sinh ra chưa có giấy khai sinh

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là lực cản sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng dân số. Trong đó, có những cuộc ly hôn đầy nước mắt hay những đứa trẻ sinh ra chưa thể làm giấy khai sinh và hưởng các chế độ chăm sóc chính đáng.

Em Hờ Y Thu năm nay 19 tuổi. Em lấy chồng lúc 15 tuổi và sinh con năm 17 tuổi. Chồng em và em đã ly hôn. Trong hai năm qua, em không được gặp con, không có một hình ảnh nào của con.

"Cảm giác của một người mẹ là đau đớn và có lỗi với con. Em đã đấu tranh để lấy con nhưng người ta không cho. Nếu con gái người ta cho theo mẹ, nhưng con trai thì người ta không cho" – em Hờ Y Thu chia sẻ.

Sao em vội lấy chồng? - Ảnh 6.

Em Hờ Y Thu năm nay 19 tuổi đã ly hôn và không được gặp con

Hội phụ nữ xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã liên hệ và sắp xếp một cuộc tương phùng giữa hai mẹ con.

Ông Già Bá Tu, cán bộ Tư pháp hộ tịch xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: "Có nhiều cặp hai ba con rồi vẫn chưa đủ tuổi. Không có đăng ký khai sinh, không cấp được thẻ bảo hiểm y tế, con cái bị ốm điều trị, nhiều hộ gia đình nghèo không có điều kiện đi điều trị".

Sao em vội lấy chồng? - Ảnh 7.

Nhiều cặp vợ chồng hai ba con rồi vẫn chưa đủ tuổi kết hôn.

Đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ về các cuộc chia tay sau khi tảo hôn của các cặp đôi. Hàng trăm đứa trẻ sinh ra ở vùng núi cũng chưa thể làm giấy khai sinh vì tảo hôn…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước