Chưa tròn hai mươi, cả hai cô gái đều đã một nách hai con. Họ là chị em dâu trong cùng một gia đình. Không việc làm và cũng không cần kiếm việc làm. Cứ lấy chồng, rồi sinh con. Trời sinh voi, rồi trời sẽ sinh cỏ. Thế nên, có những gia đình đã có tới vài đời tảo hôn.
Các trường hợp tảo hôn trên cả nước đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo. Cao nhất là Tây Nguyên, tiếp đến là Trung du miền núi phía Bắc, mỗi địa phương từ 100-220 cặp tảo hôn/năm, song số vụ tảo hôn trên thực tế có thể cao hơn con số được báo cáo. Cho đến hiện tại, tuyên truyền vẫn là biện pháp duy nhất được các địa phương áp dụng bởi đây là câu chuyện không thể nói bằng lý mà phải nói bằng cả cái tình.
Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng Dân tộc thiểu số" đã được chính phủ phê duyệt từ năm 2015. Đến nay, đề án đã mang đến những hiệu quả rõ rệt, hoàn thành mục tiêu giảm bình quân 2- 3%/năm số cặp tảo hôn.
Để đạt kết quả tốt hơn, đề án đã được tích hợp thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu là để chuyển đổi nhận thức, hành vi, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!