Rác thải nhựa bủa vây chợ cá Quảng Nam

Tùng Thư, Trọng Đức-Thứ sáu, ngày 02/06/2023 14:28 GMT+7

VTV.vn - Bờ kè xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là nơi neo đậu tàu thuyền và cũng là nơi neo đậu của rác

Thu gom rác để xử lý hay giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần được xem là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên, điều đáng nói là lượng thu gom, xử lý không đáng là bao so với lượng xả ra.

Rác thải nhựa bủa vây chợ cá Quảng Nam - Ảnh 1.

Một đoạn bờ kè chưa đầy 1km nhưng ẩn sâu dưới lớp nước trong vắt là hàng tấn rác. Khu vực bờ kè thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam này cách điểm tập kết rác là khoảng 1km và đây chính là hiện trạng của việc ô nhiễm rác thải nhựa.

Để giải quyết cho vấn đề bãi rác tự phát này, người dân đã phải tự đốt rác. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chẳng giúp ích được là bao khi mà lượng rác thải ra vẫn nhiều hơn lượng rác mọi người có thể xử lý mỗi ngày. Rác đến từ đâu, không ai biết. Nếu có được dọn sạch thì dường như cũng ít người quan tâm.

Rác thải nhựa bủa vây chợ cá Quảng Nam - Ảnh 2.

5 năm trước, anh Long và các tình nguyện viên của Hội An Cleanup đã mất 1 tháng liên tục để dọn sạch bờ kè này. Thế nhưng giờ đây, quang cảnh như chưa từng có sự ra quân này.

Thực tế tại khu vực phía trong chợ cá An Lương, các cơ quan quản lý và chức năng đã làm đúng trách  nhiệm. Rác được gom ở nơi quy định. Nhưng rất tiếc, lượng rác thu gom được trong chợ không đáng kể. Trong khi thùng rác ở đây được rửa sạch úp khô thì ngoài kia, rác vẫn đang theo từng con nước tràn ra phía biển.

Trung bình mỗi năm, toàn bộ nghề khai thác thủy sản trong nước thải ra biển 8.700 tấn rác thải nhựa, trong đó 7.600 tấn từ tàu đánh bắt cá. Đây là số liệu đưa ra tại hội thảo Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp mới được tổ chức tại Hà Nội.

Rác thải nhựa trong khai thác thủy sản đến từ các hoạt động đánh bắt và từ đóng gói, bảo quản mang đi tiêu thụ.

Rác cũng xuất hiện từ hoạt động nuôi trồng trên biển như vật liệu nuôi cá (lưới, phao xốp), nuôi hàu, nuôi ngao (lồng PVC). Việc thu gom xử lý phao xốp rất khó khăn. Người dân thường thu gom nhưng không kéo lên bờ mà vứt bỏ lại ở biển.

Giải pháp của các địa phương cho vấn đề này hiện chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc đem vào khu tập kết rồi đốt.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước