Cuộc chiến rác thải nhựa ven biển

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 14/09/2022 12:19 GMT+7

VTV.vn - Hàng trăm ngàn tấn rác thải nhựa rò rỉ qua đường sông ra biển mỗi năm khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa đại dương hàng đầu thế giới.

Việt Nam và thực trạng ô nhiễm nhựa đại dương

Những hình ảnh rác lênh đênh trên biển của Việt Nam có lẽ không còn xa lạ với nhiều người nhưng lại đang làm xấu đi hình ảnh của du lịch biển Việt Nam, nhất là khi du lịch đang dần phục hồi sau đại dịch.

Rác thải nhựa đang hiện hữu với mức độ nghiêm trọng ở nhiều nơi tại Việt Nam khi ước tính, trung bình hàng năm, có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền.

Ít nhất, 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu thế giới.

Cuộc chiến rác thải nhựa ven biển - Ảnh 1.

Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới vào cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, chất thải nhựa chiếm 94% tổng lượng rác thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông, ven biển. 10 loại nhựa phổ biến nhất là các loại mảnh nhựa, hộp xốp thực phẩm, bao bì và hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.

Theo "Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương", đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy…

Rác lênh đênh trên Vịnh Hạ Long

Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển, nhiều chương trình, chiến dịch hành động nhằm giảm thiểu phát thải rác thải nhựa đã được triển khai nhưng rác thì vẫn… lênh đênh.

Cảng tàu, nơi bắt đầu cho những chuyến ra vịnh Hạ Long. Nhưng khi nhìn xuống mặt nước, phía dưới những con tàu hiện đại, dép nhựa, vài hộp sữa, dăm vỏ chai nước, túi bóng với nhiều hộp xốp đựng thức ăn có vẻ còn khá mới và cả một thùng xốp to quá kích cỡ vợt, thách thức người vớt.

Cuộc chiến rác thải nhựa ven biển - Ảnh 2.

Rác từ đâu? Người dọn không biết và cũng chẳng dám khẳng định, chỉ biết, có rác thì vớt mà vớt không hết trong 8 tiếng làm việc thì đành để lập lờ dưới chân tàu, dẫu biết, khó khuất mắt trông coi.

Rác ven bờ lên xe gom, rác ngoài vịnh thì sẽ lên thuyền. Gần 12h trưa, khi các thuyền du lịch đã cập điểm nghỉ chân, thuyền thu gom rác vẫn đang lượn vòng, theo đúng nghĩa đen. Bởi, vớt rác trên biển, không như thu rác trên bờ.

Rác tuần hoàn rồi có thể đột ngột nhân lên theo con nước, theo thời tiết. 4 năm vớt rác trên vịnh, những người làm nghề như họ đã quen với việc, vịnh chưa một ngày vắng rác.

Cơn mưa giữa biển ập đến rồi vội đi, rác nặng hơn bởi cả nước biển lẫn nước mưa nhưng người vớt thì vẫn an ủi rác sạch. Bởi ngoài cây cối, bèo lá, phần đa là mảnh xốp, chai lọ nhựa hay túi nylon…

Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa: Chuyện có dễ?

Có thể thấy rác nhựa trôi nổi trên vịnh, tuy nhiên, theo số liệu từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, lượng rác thải nhựa trên vịnh đã giảm thiểu đi rất nhiều so với trước đây, khoảng 90%. Nhất là khi từ 3 năm trước, các chương trình giảm thiểu phát thải rác thải nhựa đã được triển khai. Tuy nhiên, để thực sự "nói không với rác thải nhựa" có phải là bài toán dễ?

Nước đóng chai dùng 1 lần trên thành ghế, trên tay du khách. Dưới chân ghế là bim bim, đồ ăn vặt trong túi bóng… Cũng dễ hiểu bởi không phải du khách nào lần đầu đến với vịnh cũng biết quy định không mang và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi tham quan vịnh Hạ Long.

Cuộc chiến rác thải nhựa ven biển - Ảnh 3.

Cán bộ ban quản lý vịnh nhắc chủ tàu, chủ tàu nhắc du khách nhưng khi một chai nước tại nhà ga đang được du khách uống cố cho hết trước chuyến đi thì ngoài cảng, cả trăm chiếc túi bóng sắp xuống tàu.

Quản lý tàu không xuất hiện. Đối sách được đưa ra bởi quản lý bếp là thay số túi bóng này bằng một dạng túi bóng khác…

Đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, sau 3 năm thực hiện và bắt đầu thực hiện lại từ tháng 9/2022, hầu hết du khách đã tuân thủ. Đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ bị tạm dừng hợp đồng. Với du khách thì kiên quyết không cho mang sản phẩm nhựa một lần qua cửa soát vé.

Bảng to rồi bảng nhỏ, quy định vẫn hữu hình và ngay ngắn trước cửa vào của nhiều con tàu nhưng liệu đã thành hình trong ý thức của chính những người mỗi ngày đều lênh đênh trên vịnh?

Tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, chỉ có khoảng hơn 1/10 số lượng chất thải nhựa, túi nylon này được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Điều này không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra sự lãng phí lớn cho ngành nhựa Việt Nam, đồng thời đặt ra bài toán về vấn đề tăng tỷ lệ tái chế cũng như cơ hội kinh tế tuần hoàn của các sản phẩm này, thông qua chính những lực lượng lao động phi chính thức trong ngành rác thải.

Chuyện ở "câu lạc bộ ve chai"

Thực tế, ngay tại thành phố Hạ Long, những mô hình nhóm, tổ "ve chai" hoạt động trong vài năm qua đã cho thấy cơ hội tăng tỷ lệ tuần hoàn của rác thải nhựa cũng như nâng cao ý thức phân loại rác thải, bảo vệ môi trường của người dân.

Khẩu hiệu của chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc: "Nếu bạn không thể tái sử dụng, hãy từ chối nó"… Vậy nên, khi bạn bắt buộc phải sử dụng 1 sản phẩm nhựa, hãy cố gắng tái sử dụng nó một cách hiệu quả nhất vì một Việt Nam không rác thải nhựa.

Mỗi con số rác thải nhựa là số tiền tương ứng kiếm được và cũng là niềm tự hào về thành tích thu gom rác của từng thành viên trong trong nhóm "ve chai".

Hơn 40 thành viên, không ít trong số đó là những lao động tự do, có hoàn cảnh khó khăn, đã gắn với công việc thu gom phế liệu từ lâu.

3 năm tham gia nhóm, điều họ thêm được không chỉ là những buổi họp, những lần thăm hỏi khi ốm đau hay chuyện khóc, chuyện cười.

Từ chính sinh kế của mình, họ được trao cơ hội để tự nhận thức, nối dài cánh tay giảm thiểu rác thải nhựa. Và sau mỗi tiếng rao cũng là cơ hội để tái sinh những mảnh nhựa đã được gọi là rác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước