Quảng Bình: Bờ biển bị xâm thực, sạt lở ảnh hưởng hàng trăm hộ dân

Minh Đức-Thứ tư, ngày 25/12/2024 14:29 GMT+7

Xâm thực, sạt lở bờ biển không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất tại địa phương này

VTV.vn - 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ biển đoạn qua xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, cả tuyến bờ biển đoạn qua địa bàn xã dài hơn 2 km, chạy qua 3 thôn Thanh Xuân, Thanh Hải, Thanh Gianh đều bị ảnh hưởng lớn từ sạt lở. Riêng tại thôn Thanh Xuân là bị nghiêm trọng nhất khi có 450 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu đang nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng.

Quảng Bình: Bờ biển bị xâm thực, sạt lở ảnh hưởng hàng trăm hộ dân - Ảnh 1.

Trong 3 năm qua, tình trạng xâm thực, xói lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 150m, chiều dài trên 1km.

Thiệt hại nặng nề hơn là 6 hộ đầu tư hồ nuôi tôm, mỗi hồ trên dưới hai tỷ đồng, đưa vào sản xuất chưa lãi được bao nhiêu đành chấp nhận bỏ cho sóng cuốn trôi, hiện nhà xưởng, chỗ ở cho công nhân đang bỏ hoang. Hàng phi lao chắn sóng 7 – 8 năm tuổi trước các hồ tôm cũng đã bị sóng đánh tan.

Quảng Bình: Bờ biển bị xâm thực, sạt lở ảnh hưởng hàng trăm hộ dân - Ảnh 2.

Nhiều hồ nuôi tôm quy mô lớn đã phải bỏ hoang trước tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển

Đứng trước các hồ tôm đã bị sóng đánh tan phía mặt đê bảo vệ phía ngoài biển, ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Thanh Xuân (xã Thanh Trạch) cho biết, các hồ nuôi tôm tại đây được đầu tư xây dựng từ trước năm 2020, khi đó chưa xuất hiện tình trạng sạt lở như hiện nay. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm sản xuất thì biển đã lấn dần vào, hàng cây phi lao chắn sóng đều bị sóng đánh bật gốc và cuốn trôi. Các hộ nuôi đã dùng bao cát đắp làm đê bao chăn sóng, ngăn sạt lở để bảo vệ hồ nuôi tôm, song không thể chống chịu được sóng lớn vào những ngày biển động.

Tình trạng biển xâm thực cũng khiến nhiều hộ dân sống cạnh biển lo lắng. Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Tình (xã Thanh Trạch) mở hướng nhìn ra biển qua con đường bê tông liên thôn. Mỗi ngày nhìn sóng biển cao đánh vào bờ cát mà thấy lòng không khỏi bất an. Ông Tình lo lắng rằng, nều không có biện pháp sớm, tình trạng biển xâm thực, sạt lở sẽ uy hiếp cả con đường đổ bê tông liên thôn của xã Thanh Trạch và khu nghĩa trang của người dân địa phương. Ngoài ra, nhiều năm trước, bà con vùng biển xã Thanh Trạch đã góp công, góp sức xây dựng lại khu đền thờ cá Ông khá bề thế. Đây cũng là nơi diến ra Lễ hội cầu Ngư đầu năm trước khi vào vụ đánh bắt thủy sản của bà con địa phương. Hiện tình trạng biểm xâm thực cũng đã ăn sâu vào tận hàng cây phi lao trước sân đền khiến người dân rất lo lắng, bất an.

Quảng Bình: Bờ biển bị xâm thực, sạt lở ảnh hưởng hàng trăm hộ dân - Ảnh 3.

Không chỉ uy hiếp an toàn các hồ tôm, các đơn vị sản xuất ven biển, tình trạng xâm thực lấn biển còn đe doạ an toàn của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Cũng theo ông Tuấn, hiện tượng biển xâm thực vào đất liền diễn ra trong vòng 3 năm trở lại đây, và nghiêm trọng hơn sau ảnh hưởng của cơn bão số 6 vào tháng 10/2024, khiến vùng ven biển của 3 thôn xã Thanh Trạch bị sạt lở nghiêm trọng hơn. Trong 3 năm qua, tình trạng xâm thực, xói lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 150m, chiều dài trên 1km.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, vùng biển xã Thanh Trạch bị sạt lở la tình trạng đáng báo động do tác động của biến đổi khí hậu. Đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình có những giải pháp tình thế như vận động người dân không cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại khu vực này để tránh tình trạng thiệt hại về tài sản. Bên cạnh đó, chỉ đạo xã Thanh Trạch tổ chức trồng cây phi lao để khôi phục rừng phòng hộ chắn sóng, nhằm hạn chế việc sạt lở sâu thêm vào đất liền.

Quảng Bình: Bờ biển bị xâm thực, sạt lở ảnh hưởng hàng trăm hộ dân - Ảnh 4.

Hiện mới có các giải pháp tình thế giảm bớt thiệt hại, về lâu dài địa phương cần có các giải pháp xây dựng hệ thống kè biển để đảm bảo an toàn

Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài, do kinh phí của địa phương có hạn nên tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để địa phương xây dựng hệ thống kè biển tại khu vực sạt lở, gia cố lại các vị trí, nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho bà con nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước