Phát triển nguồn nhân lực: Việt Nam đi sau nhưng có thể đón đầu

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 06/06/2023 15:13 GMT+7

VTV.vn - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó cần tập trung cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) chỉ ra tình trạng hiện nay chúng ta có rất nhiều trường đại học trên cả nước và học sinh tốt nghiệp THPT dễ dàng có được tấm bằng cử nhân sau 4 năm đại học, thậm chí sau đại học. Tuy nhiên, con số không nhỏ sinh viên, thạc sĩ không tìm được việc làm hoặc việc làm không đúng chuyên ngành và phần lớn lại phải mất một thời gian dài để cập nhật lại kiến thức cho phù hợp với thực tế công việc tại cơ quan, doanh nghiệp.

Đại biểu đặt câu hỏi có phải chúng ta đang lãng phí nguồn lực này không hay do chưa xác định rõ nguồn nhân lực chất lượng cao để có hướng khuyến khích phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động hiện nay.

Phát triển nguồn nhân lực: Việt Nam đi sau nhưng nhưng có thể đón đầu - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang) thì nêu vấn đề cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập và đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ rà soát vấn đề chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh, các vấn đề phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến 1 trong 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển nguồn nhân lực: Việt Nam đi sau nhưng nhưng có thể đón đầu - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà báo cáo trước Quốc hội

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã thành lập quỹ nghiên cứu và phát triển (RD), nhưng như các đại biểu Quốc hội nêu, năng suất lao động chưa bứt phá. Do vậy, cần tập trung cho vấn đề đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực trong nghiên cứu, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến giáo dục trung, cao đẳng, đại học, cao học và giáo sư, tiến sĩ. Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu cơ bản, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai.

Trong đó, đào tạo cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, công nghệ kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới….

Đây là những tiềm năng tạo ra công ăn việc làm cho lao động, nhưng xuất phát điểm phải từ nguồn nhân lực - 1 trong 3 khâu đột phá phải thực hiện bằng được thông qua những chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là vấn đề pháp lý.

"Với tư duy, đổi mới từ chủ trương, Việt Nam đi sau nhưng nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng" – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Trong khi đó, về việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chỉ thị số 21 cũng như Nghị quyết của Chính phủ đã đề cập rõ nội dung này, chúng ta cần thực sự tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng lĩnh vực này để góp phần đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, cân đối hài hòa giữa đào tạo "thợ" với "thầy" trong quy mô đào tạo chung của đất nước.

Phát triển nguồn nhân lực: Việt Nam đi sau nhưng nhưng có thể đón đầu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp, trong đó trước hết cần tập trung tạo chuyển biến về nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới, nâng cao thu nhập, liên thông học suốt đời.

Bên cạnh đó, cần rà soát bổ sung toàn bộ hệ thống các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, đặc biệt thực hiện học văn hóa trong trường nghề để người học vừa có bằng nghề, vừa có bằng trung học.

Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên nông thôn, trong đó Bộ sẽ thiết kế một chương trình riêng cho thanh niên miền núi, hải đảo…

Một số giải pháp khác cũng đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu như đổi mới chương trình thích ứng đổi mới, sắp xếp các trường nghề thực hiện theo Ban chỉ đạo Trung ương, nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác công tư…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước