Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Đặng Tú, Duy Công-Thứ bảy, ngày 15/10/2022 20:14 GMT+7

VTV.vn - Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% diện tích cả nước nhưng hệ thống đường cao tốc còn quá khiêm tốn đặt ra yêu cầu nâng cấp để phát huy các thế mạnh của vùng.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành, chiếm 12% diện tích cả nước nhưng hiện mới chỉ có 91km đường bộ cao tốc, chiếm khoảng 7% hệ thống đường bộ cao tốc của cả nước. Nếu di chuyển đường bộ từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ với quãng đường 170km thì thời gian cũng bằng với quãng đường 300km cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai. Điều này cho thấy, hệ thống giao thông đường bộ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, cần được đầu tư nâng cấp nhằm phát huy thế mạnh của vùng.

Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh việc phải hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc nối đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Đông Nam Bộ.

Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Theo kế hoạch, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 13 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng được triển khai và hoàn thành riêng trong giai đoạn 2021-2025. 12 dự án đường bộ khác với tổng mức hơn 100.000 tỷ đồng cũng đang được chuẩn bị triển khai.

Trong số này, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 2 dự án giữ vai trò quan trọng. Đoạn dự án Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau sẽ được khởi công trong tháng 12 năm nay.

Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có 6 dự án đường bộ với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, nếu được bố trí vốn và triển khai đúng kế hoạch thì đến cuối năm 2026, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 400-500 km đường bộ cao tốc. Ngoài ra, bộ cũng đang nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Quốc hội chủ trương xây dựng tuyến đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông sản chủ lực của cả nước. Trong khi giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế thì khu vực này lại có hệ thống sông ngòi kênh mương chằng chịt với chiều dài hệ thống đường thủy lên tới 28.000km. Chính vì vậy, phát triển hệ thống giao thông thủy được cho là hướng đi cần thiết. Giao thông thủy sẽ giúp giảm chi phí vận tải, nâng cao sức cạnh tranh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch phát triển hệ thống hàng hải giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải cũng đặt mục tiêu vận tải đường thủy, hàng hải dần được khơi thông để đón những con tàu trọng tải lớn vào sâu trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long.

Theo kế hoạch, cũng trong giai đoạn 2021 -2025, lĩnh vực đường thủy và hàng hải sẽ được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng để phát triển hành lang vận tải, nâng cao tĩnh không các cầu và kết nối khu bến cảng Trần Đề tại địa phận tỉnh Sóc Trăng. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần giảm chi phí logistics hiện đang chiếm tới 30% giá thành sản phẩm, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước