Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có khoảng hơn 1.200 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt. Con số này đã có sự gia tăng so với những năm trước. Điều đáng nói, có tới 64% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày được xử lý bằng cách chôn lấp lộ thiên.
Phương án này, theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, nhất là nguồn nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân trong vùng ảnh hưởng. Tại tỉnh Thanh Hoá, hiện nay các bãi chôn lấp rác thải lộ thiên đang trong tình trạng quá tải trầm trọng. Từ câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề về việc tìm đầu ra cho rác thải sinh hoạt, vốn là nỗi băn khoăn thường trực của nhiều địa phương trong cả nước hiện nay.
Nhìn từ trên cao, bãi chứa rác thải ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá như một ngọn núi khổng lồ. Nó được hình thành từ hoạt động tập kết, chôn lấp rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Cứ thêm một ngày, bãi rác lại phình to hơn.
Từ năm 2010, bãi rác này đã được đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn. Từ đó cho đến nay, địa phương đang loay hoay tìm giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường. Việc đóng cửa bãi rác có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào, nhưng việc xử lý rác thải phát sinh hàng ngày mới thực sự là bài toán cần lời giải với các cơ quan quản lý tại địa phương.
Đơn vị vận hành bãi rác thông tin, lẽ ra vị trí này phải đóng cửa từ năm 2008 nhưng do không có phương án xử lý rác thay thế nên bãi rác vẫn buộc phải hoạt động từ đó đến nay. Núi rác quá tải đã đành, trong khi lại phải tiếp nhận thêm 140 tấn rác mỗi ngày nên ô nhiễm phát sinh là điều khó tránh khỏi.
Chung tình cảnh, bãi rác Đông Nam ở huyện Đông Sơn cũng trong tình trạng quá tải trầm trọng kéo dài từ nhiều năm nay. Công suất thiết kế ban đầu chỉ tiếp nhận 230 tấn/ngày nhưng hiện nay số lượng rác tiếp nhận đã tăng lên gấp đôi. Các ô chôn lấp vượt chiều cao so với thiết kế cả chục lần khiến nước rỉ rác không được thu gom xử lý và không thể khống chế mùi hôi phát sinh khiến người dân xung quanh phải hứng chịu.
Theo đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hoá, hiện trên địa bàn có 16 bãi chôn lấp rác thải đang hoạt động với quy mô lớn. Tuy nhiên khâu xử lý còn khá sơ sài chỉ dừng lại ở việc đổ đống rồi đầm nén, phun hoá chất diệt trùng.
Trong khi bãi chôn lấp rác quá tải thì một nghịch lý mà ai cũng nhìn thấy, ở ngay vị trí kế bên, nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hỗn hợp đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016, sau 8 năm vẫn chậm tiến độ. Hiện tại, nhà máy đã xây dựng xong nhưng vẫn trong tình trạng cửa đóng then cài, gây lãng phí nguồn lực đất đai của nhà nước. Đại diện Sở Tài nguyên môi trường cho biết, sẽ làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu nhanh chóng khắc phục các vướng mắc, tồn tại để sớm đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!