CLB Biển Xanh tại TP Vũng Tàu ra quân dọn dẹp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa tại bãi biển
Trong nhiều năm qua, TP du lịch biển Vũng Tàu luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Do dó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh BRVT đã được UBND tỉnh giao tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy BRVT về sử dụng bình đựng nước dùng nhiều lần, triển khai "nghiên cứu, sử dụng các sản phẩm bình đựng nước dùng nhiều lần để thay thế cho chai nước suối dùng một lần tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo" đến các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời tuyên truyền, nhân rộng trong gia đình, nhân dân và toàn xã hội thay đổi thói quen sử dụng chai nhựa một lần trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc và học tập.
Nâng cao ý thức giảm phát thải nhựa cho du khách khi du lịch
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhựa, Sở TNMT đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các TP Vũng Tàu; TP Bà Rịa và các đơn vị tài trợ thực hiện thí điểm chương trình "Học đường nói không với chất thải đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy " tại thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Chương trình này bao gồm việc phổ biến các nội dung tuyên truyền về phong trào "chống rác thải nhựa" đến học sinh thông qua các buổi hoạt động ngoại khóa; cung cấp miễn phí các đồ dùng an toàn với con người và môi trường cho nhà trường để thay thế các đồ dùng từ nhựa và túi ni lông khó phân hủy theo thói quen hàng ngày...
Đồng thời, Sở TNMT cũng phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về tác hại của chất thải đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường thực hiện nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn tỉnh.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều hoạt động nâng cao ý thức giảm phát thải nhựa cho du khách
Riêng tại huyện đảo Côn Đảo, với đặc thù địa phương này phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của rác nhựa đại dương, nhất là tại các khu vực rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Cùng với đó, lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng tăng nhanh chóng khiến các bãi rác của huyện rơi vào trạng thái quá tải. Trong thời gian qua, để chống rác thải nhựa hiệu quả tại huyện đảo Côn Đảo, Sở TNMT tỉnh BRVT đã phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phát huy sức mạnh chung tay của các đoàn thể và cộng đồng dân cư, đặc biệt là nâng cao ý thức giảm phát thải nhựa cho du khách khi du lịch. Trong đó, các cơ quan chức năng đã phối hợp UBND huyện đảo Côn Đảo đề nghị các hãng hàng không thực hiện thông báo cho du khách tại Cảng Hàng không Côn Sơn về chủ trương xây dựng Côn Đảo xanh - sạch - đẹp, trở thành điểm đến giảm nhựa, không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần khi lưu trú, tham quan tại Côn Đảo; giao Ban Quản lý Cảng Bến Đầm thực hiện thông báo cho du khách khi vừa cập bến cảng Côn Đảo về chủ trương xây dựng Côn Đảo xanh - sạch - đẹp, trở thành điểm đến giảm nhựa, không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần khi lưu trú, tham quan tại Côn Đảo, in ấn lắp đặt pano tại các tuyến tàu khách đến Côn Đảo: Sóc Trăng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Hồ Chí Minh.
Đề xuất xây quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên môn, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện mục tiêu xây dựng Côn Đảo không rác thải nhựa; Các cơ quan đơn vị tham mưu triển khai thực hiện giảm nhựa đến các cán bộ, nhân viên tại đơn vị và triển khai tới cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực đơn vị quản lý. Tổ chức thực hiện sử dụng sản phẩm thay thế túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần tại chợ, siêu thị trên địa bàn huyện như sử dụng camen thay hộp xốp, sử dụng một số lá cây phù hợp để gói các loại thực phẩm, các sản phẩm sinh học thân thiện môi trường... Giới thiệu cơ sở cung ứng sản phẩm thay thế túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Tăng cường quản lý, kiểm soát đầu vào và tiêu thụ túi ni lông và sản phẩm nhựa trên địa bàn…
Cần xác định các sản phẩm thay thế nhựa, hạn chế ngay tại đầu vào địa bàn
Trên địa bàn huyện Côn Đảo cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, điển hình như: Chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo cùng thông điệp "Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương"; triển lãm "Du hí biển nhựa" kết hợp "Ngày hội Đổi rác lấy quà"; vận động người dân địa phương tham gia giảm nhựa; thực hiện giảm nhựa trong khu bảo tồn biển bằng các biện pháp thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn.
Người dân tham gia dọn dẹp bãi biển
Sở TN&MT tỉnh BRVT cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tọa đàm về ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa; kết hợp, triển lãm giới thiệu các giải pháp ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa khó phân hủy, thân thiện với môi trường.
Trao đổi với PV Thời Báo VTV, chị Hoàng Thị Mỹ - ngụ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: " TP Vũng Tàu là một thành phố du lịch rất gần với TP Hồ Chí Minh nên tôi cũng thường cùng với gia đình xuống đây nghỉ ngơi. Theo cách tôi cảm nhận thì phải phát huy, thay đổi sâu sắc nhận thức của người dân địa phương và du khách đối với rác thải. Tôi đặc biệt yêu thích các hoạt động của các câu lạc bộ môi trường xanh ở đây, họ luôn có ý thức bảo vệ môi trường. Thay vì dành ngày Chủ nhật để nghỉ ngơi, thì các thành viên trong các câu lạc bộ môi trường đã có những hoạt động vì môi trường, dọn rác dọc bãi biển TP Vũng Tàu, ven biển Phước Hải, Hồ Tràm… góp phần làm cho môi trường giảm rác thải, giảm nhựa. Tuy nhiên, rác thải nhựa vẫn còn hiện diện. Trong thời gian tới để giảm thải nhựa một cách bền vững thì các ngành chức năng địa phương này cần xác định các sản phẩm trọng tâm cần thay thế, giảm thiểu rác thải nhựa như ống hút nhựa, ly nhựa, hộp xốp, túi nilong… để có phương án phù hợp, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế như túi xách đi chợ sử dụng nhiều lần, vật liệu khác thân thiện như thủy tinh, giấy, một số loại vật liệu có nguồn gốc hữu cơ, thân thiện với môi trường… Trong đó, 100% các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước phải thực hiện tiên phong trong giảm thiểu rác thải nhựa, thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ dễ phân hủy, thân thiện với môi trường".
Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện đang dao động trong khoảng 17 - 20 tấn/ngày và lượng rác tồn đọng chưa xử lý là hơn 70.000 tấn tại khu vực Bãi Nhát, nhiều khu vực khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Được biết, chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại huyện Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm, trong đó rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3%. Dự báo tổng lượng rác thải phát sinh tại Côn Đảo vào năm 2026 vào khoảng 31 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 4 tấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!