Sau đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư, Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận hơn 1 triệu lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai trở về quê, trong đó có gần 2/3 là lao động nữ.
Sau khoảng thời gian vui mừng được trở về sum họp với người thân, hàng xóm, nhiều lao động phải đối mặt với những khó khăn về tài chính khi thu nhập dành dụm được trong những năm xa quê đã cạn kiệt. Lại tiếp tục lên đường tìm kiếm tương lai hay ở lại quê, không chỉ là bài toán cho người lao động hồi hương mà còn là áp lực cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long sau gần 1 năm kể từ khi dịch bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có khoảng 97.000 lao động trở về trong đó có đa số là công nhân nhân nữ làm nghề may. Nhiều lao động đã phải gửi con cho ông bà để đi làm xa, thu nhập thì cao hơn so với ở quê nhưng chi phí cho sinh hoạt tại thành phố cộng với những áp lực khác như ốm đau bệnh tật, nhiều lao động đã chọn phương án ở lại tìm kiếm công việc ở quê cho dù thu nhập thấp hơn.
Tìm việc ngay tại quê nhà
Sau mấy tháng về quê tránh dịch bệnh, chị Lan Anh (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã đi làm trở lại, chỗ làm cách nhà chỉ chừng 2 km. Thu nhập ít hơn nhưng chị vẫn quyết định trụ lại ở quê không trở lại thành phố.
"Nếu ở quê có cơ sở làm việc như vậy thì rất khỏe. Đi xa mỗi lần muốn về quê thì rất cực. Ở đây sáng đi chiều về rất là tiện luôn", chị Lan Anh cho biết.
Cơ sở may gia công xã Xà Phiên đa số là lao động nữ, trong đó có không ít người từng là công nhân may vừa trở về trong đợt dịch bệnh vừa qua. Mức thu nhập tại đây chỉ trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng chắc chắn không thể bằng lúc làm công nhân ở thành phố nhưng so đi tính lại thì vẫn ổn.
Ngay sau khi dịch bệnh giảm, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong tỉnh Hậu Giang tăng cường sản xuất trở lại, phục hồi kinh tế. Nhu cầu lao động, nhu cầu vốn mở rộng sản xuất cũng vì vậy mà tăng cao. Chị Trần Thị Nhi - chủ cơ sở may mặc - vừa nhận được số tiền trên 70 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng để mua thêm máy móc và tuyển thêm công nhân.
Bữa trưa tại cơ sở may của những công nhân này tuy đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười vì dẫu biết rằng cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng ít ra thì sống ở quê, làm ở quê cũng đỡ phần vất vả lo toan.
Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng trăm ngàn lao động hồi hương khác vẫn còn đang loay hoay với nỗi lo tìm việc trở lại. Đây cũng chính là lúc các ban ngành chính quyền địa phương tại các tỉnh cần có những phương án và giải pháp để đảm bảo an sinh cho hàng trăm ngàn lao động này sau những ngày khó khăn.
Tạo việc làm cho lao động hồi hương
Gần 1 năm trước, gia đình anh Nguyễn Hữu Đức từ Đồng Nai về Cà Mau tránh dịch bệnh. Số tiền dành dụm sau những năm lao động xa quê giờ cũng đã cạn nhưng để có thu nhập đủ sống cho cả gia đình 4 người trong thời gian tới là vấn đề nan giải bởi một công đất gia đình anh đã cho thuê nuôi tôm. Mảnh đất trước nhà cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày.
Đợt dịch bệnh lần thứ tư, Cà Mau đón nhận hàng chục ngàn lao động từ các tỉnh trở về. Song song với việc giúp bà con tạm ổn định cuộc sống, thời gian giờ qua nhiều địa phương cũng đã vận động các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng lao động hồi hương để giúp bà con có công việc ổn định hơn.
Nhu cầu lao động tại các tỉnh là có tuy nhiên không phải lao động nào cũng phù hợp với ngành nghề sản xuất tại địa phương. Sau thời gian hồi hương, Cà Mau chỉ có gần 10.000 lao động có việc làm trong tổng số 55.000 lao động về quê do nhiều công ty đã ổn định nguồn nhân lực.
Tạo điều kiện về vốn để các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ mở rộng sản xuất thu hút lao động hồi hương đồng thời phương án kết nối với các tỉnh thành Đông Nam Bộ đang được các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh để tạo điều kiện cho người lao động trở lại với công việc phù hợp và có thu nhập ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!