Nhiều trường học trên cả nước bị xuống cấp, hư hại

Kiều Hoa, Ngọc Khánh, Phạm Hà, Thành Luân-Thứ năm, ngày 24/10/2024 05:39 GMT+7

VTV.vn - Tại Trường Tạ Khoa, Sơn La, mưa lũ đã khiến sân trường ngập bùn đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học và sinh hoạt của hơn 200 học sinh.

Tại Trường Trung học cơ sở Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La, tình trạng ngập bùn đất đã trở thành nỗi ám ảnh của thầy và trò. Mỗi khi mùa mưa đến, lòng suối gần trường dâng cao, bùn đất tràn vào, khiến sân trường bị vùi lấp tới 1 mét. Nhà công vụ, phòng học tầng 1, và nhà ăn gần như ngập hoàn toàn, buộc học sinh phải chuyển lên học ở tầng 2, 3. Hơn 200 học sinh gặp khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là việc đi vệ sinh.

Nhiều chương trình, dự án, đề án đã được Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo để nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa. Tuy nhiên, số lượng các trường học thì lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế. Vì vậy, nhiều phòng học, trường học đã bị xuống cấp hoặc phải di dời.

Ông Vũ Văn Tiếm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết học sinh xa nhất phải đi về hàng ngày, dù khoảng cách lên tới 30 km, bao gồm cả việc phải đi đò qua sông.

Cô giáo Mùi Thị Bừng cho biết: "Chúng tôi chỉ có một căn phòng nhỏ vừa là nơi họp hội đồng vừa là chỗ nghỉ tạm. Còn lại, tất cả giáo viên đều phải thuê trọ bên ngoài, rất tốn kém và vất vả."

Trước tình trạng này, UBND xã Tạ Khoa đã quyết định di dời trường đến một địa điểm mới. Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Dù khởi công ngay thì cũng còn phải chờ cả năm nữa để học ở trường mới. Nhà trường có kế hoạch sẽ cùng phụ huynh nạo vét bùn đất, hy vọng lấy lại được chút tài sản. Và nhất là ngăn ngừa dịch bệnh, nguy cơ mất an toàn".

Nhiều trường học trên cả nước bị xuống cấp, hư hại - Ảnh 1.

Trường Trung học cơ sở Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La

67.000 phòng học trên cả nước được kiên cố

Trường học ở Sơn La chỉ là một ví dụ trong số khoảng 67.000 phòng học trên cả nước chưa được kiên cố. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, con số này bao gồm cả những phòng học chưa xây mới và những phòng đã xuống cấp, hư hại. Mặc dù tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn quốc đã đạt 86,6%, nhưng nhiều địa phương, đặc biệt là ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, vẫn thấp hơn mức trung bình.

Tại Trường Trung học cơ sở Đăk Long ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, tình trạng học sinh phải học trong phòng tạm bợ bằng tôn khiến việc học trở nên khó khăn.

Ở Yên Bái, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Hiệu trưởng Hoàng Thị Thanh Hải cho biết lớp học chật chội, đông học sinh gây khó khăn trong giảng dạy.

Tại Trường Trung học cơ sở Giao Thiện, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, thầy Trịnh Quốc Việt cho biết: "Đối với khu nhà xây năm 2006 mái nhà sập xuống 1 góc, tường xây đã lâu bị xuống cấp, ngấm, dột, đối với dãy nhà xây 2008 móng bị sụt lún kéo theo vết nứt ở tường, dẫn đến không đảm bảo an toàn. Nhà trường mong muốn các cấp cấp kinh phí tu sửa, đảm bảo an toàn dạy học tại trường".

Ngoài phòng học thì cả nước cũng đang cần bổ sung gần 10.800 phòng công vụ giáo viên. Đây là một điều kiện quan trọng để thu hút thầy cô về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vốn đang rất khó khăn về nguồn tuyển. Giáo dục sẽ gặp nhiều thách thức thi tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn chật chội, xuống cấp.

Nhiều trường học trên cả nước bị xuống cấp, hư hại - Ảnh 2.

Trường mầm non Chiềng Đen, thành phố Sơn La

Nỗ lực đầu tư kiên cố hóa trường học

Trong suốt 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã dồn sức vào việc kiên cố hóa trường lớp học. Chỉ riêng Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã nhận được khoảng 37 nghìn tỷ đồng từ ngân sách. Bên cạnh đó, các dự án ODA và nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cũng đóng góp vào công cuộc cải thiện cơ sở vật chất giáo dục, đặc biệt ở những địa phương khó khăn.

Tại Trường mầm non Chiềng Đen, thành phố Sơn La. Năm học trước, cả cô và trò còn phải vất vả len dốc để học ở điểm trường cũ. Năm nay, tất cả đã chuyển về điểm mới thuận lợi, với ngân sách đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Bên cạnh nỗ lực của nhà nước, nguồn xã hội hóa cũng đóng vai trò rất lớn trong kiên cố hóa trường lớp. Ít nhất 4.200 tỷ đồng đã được huy động để xây dựng tương đương gần 7.000 phòng học. Điểm trường Khuổi Phìn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Và diện mạo mới từ sự đóng góp của nhiều cá nhân, đơn vị.

Một mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, tất cả các phòng học trên cả nước sẽ được kiên cố hóa. Các điều kiện về nước sạch, nhà vệ sinh, bếp ăn, nhà bán trú phải đảm bảo. Cần sự tập trung đầu tư của các địa phương và sự chung tay của xã hội để đạt được mục tiêu này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước