Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít

Phùng Anh - Tăng Khánh-Thứ năm, ngày 24/10/2024 06:10 GMT+7

VTV.vn - Vượn Cao Vít là 1 trong 4 loại vượn quý hiếm được xếp hạng cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN. Hiện tại, chỉ còn 74 cá thể trên toàn thế giới.

Theo số liệu điều tra năm 2021, số cá thể vượn Cao Vít được ghi nhận tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là 74 cá thể (Bao gồm cả ở Việt Nam và Trung Quốc), chúng sống thành 14 đàn và 2 các thể đơn lẻ.

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít - Ảnh 1.

Cá thể vượn Cao Vít sống tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh)

Theo các nghiên cứu của tổ chức FFI, vượn Cao Vít có tên khoa học là Nomascus nasutus, thuộc loài vượn đen Đông Bắc chỉ có ở vùng Đông Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, vùng Đông Nam Trung Quốc.

Cái tên "Cao Vít" xuất phát từ tiếng kêu của loài vượn này, vào mỗi buổi sáng khi chúng ra ngoài tìm kiếm thức ăn, loài vượn này thường cất lên tiếng hót "Cao vít" hay "Cao huýt". Tiếng hót này như một cách để các đàn vượn bảo vệ lãnh thổ của mình.

Loài vượn Cao Vít đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng cho sự tồn tại và phát triển của chúng.

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít - Ảnh 2.

Anh Hứa Văn Trụ, thành viên Nhóm Bảo tồn vượn Cao Vít - Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế chia sẻ: "Vượn Cao Vít đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vào mùa đông khí hậu vùng núi của tỉnh Cao Bằng hết sức khắc nghiệt, nhiệt độ có khi xuống -2 đến 0 độ C dẫn đến các con đực già và con non có thể bị chết rét. Cùng với đó là việc thiếu nguồn thức ăn, vượn Cao Vít chủ yếu ăn các loài hoa quả và tầm gửi. Vào mùa đông nguồn thức ăn này trở nên khan hiếm, không có các loại quả và lá của các cây tầm gửi, chỉ còn lá già. Một thách thức lớn nữa đó là khu bảo tồn có diện tích khá nhỏ bé, dẫn đến sự xung đột giữa các đàn vượn, hay xung đột giữa vượn và khỉ xảy ra thường xuyên".

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít - Ảnh 3.

"Vượn Cao Vít chỉ sống trong môi trường đặc hữu của Khu bảo tồn, nếu xuất hiện một loài Virus hoặc dịch bệnh lây lan tiêu diệt cả đàn thì sẽ là một nguy cơ rất cao cho loài vượn Cao Vít". Anh Hoàng Đức Tuân - Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Ngọc Khê thuộc Khu bảo tồn vượn Cao Vít huyện Trùng Khánh cho hay.

Để thực hiện công tác bảo tồn hiệu quả, bền vững loài vượn Cao Vít, các cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh cùng các thành viên Nhóm Bảo tồn vượn Cao Vít - Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít - Ảnh 4.

"Chúng tôi chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 4 người thay nhau vào rừng. Theo tuyến lịch trình, chúng tôi sẽ có 5 ngày vào trong khu bảo tồn, đi lên các điểm quan sát vượn để nghiên cứu. Còn một số ngày công chúng tôi sẽ đi tuần rừng bên ngoài theo các cán bộ Kiểm lâm" Anh Đàm Văn Phúc, thành viên Nhóm Bảo tồn vượn Cao Vít - Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế nói.

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít - Ảnh 5.

Ông Hoàng Văn Dương – Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho biết, trong những năm qua, với cương vị là đơn vị quản lý trực tiếp khu bảo tồn sinh cảnh vượn Cao Vít, Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh đã chủ động công tác tham mưu cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng, cấp ủy chính quyền địa phương.

Hạt đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng đặc dụng. Đề xuất mở rộng diện tích khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền đến với người dân để nâng cao ý thức bảo tồn loài vượn Cao Vít. Tăng cường công tác thực thi pháp luật, thường xuyên tổ chức tuần tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp về bảo tồn.

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít - Ảnh 6.

Lán nghỉ trong rừng của các Kiểm lâm viên cùng thành viên Nhóm Bảo tồn vượn Cao Vít.

Đơn vị đã tập trung vào công tác phát triển sinh cảnh, phục hồi rừng. Tăng cường các hoạt động khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên, kết hợp trồng bổ sung các cây bản địa để làm giàu rừng, tăng cây thức ăn cho vượn. Tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu về sinh cảnh, tập tính sinh sống của loài vươn.

Tập trung vào công tác hỗ trợ sinh kế cho người dân, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, qua đó làm giảm thiểu các tác động của người dân đối với rừng. Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít huyện Trùng Khánh (Việt Nam) và Khu bảo tồn thiên nhiên Bang Lượng (Trung Quốc) tiếp giáp nhau, vậy nên hạt kiểm lâm huyện Trùng Khánh thường xuyên thực hiện các hoạt động hợp tác Quốc tế, hợp tác bảo tồn liên biên giới.

Cao Bằng: Nỗ lực bảo tồn vượn Cao Vít - Ảnh 7.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Trùng Khánh và tổ bảo vệ rừng cộng đồng đi tuần ra Khu bảo tồn.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Trùng Khánh và các thành viên của Nhóm Bảo tồn vượn Cao Vít đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sự sống của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài vượn Cao Vít. Không quản ngại khó khăn, vất vả, họ luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao, góp phần bảo vệ rừng và môi trường sống cho các loài động vật. Những nỗ lực này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sinh trưởng của vượn Cao Vít, từ đó bảo tồn hệ sinh thái rừng giàu có và đa dạng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước