Nhiều mô hình sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong phòng chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Thế Hà - Tạ Hậu-Thứ ba, ngày 28/12/2021 12:59 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt điều chỉnh, thích ứng với tình hình mới trong phòng chống COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh đang cho thấy hiệu quả tích cực.

Một thông tin tích cực trong tuần này đó là số ca nhiễm và ca tử vong vì COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh đang giảm sâu. Cụ thể, từ ngày 20/12 trở về trước, số ca mắc COVID-19 dao động trên 1.000 ca trong khi khoảng 1 tuần gần đây, số ca đã giảm liên tục, ngày 27/12 còn 560 ca. Cách đây 2 tuần, số tử vong dao động khoảng 70 ca thì nay cũng giảm, như ngày 27/12 chỉ còn 30 ca. Trong đó có 6 ca từ các tỉnh khác chuyển đến.

Sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, thành phố đã áp dụng nhiều mô hình sáng tạo: Triển khai tổng cộng 525 trạm y tế lưu động, hàng ngàn tổ chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng để chăm sóc sức khỏe tận nhà cho người dân. Kêu gọi hàng trăm nhà thuốc tư nhân tham gia phòng chống COVID-19, cấp thuốc cho người dân và tư vấn chống dịch.

TP Hồ Chí Minh cũng vừa công bố có khoảng hơn 24.400 người thuộc nhóm nguy cơ vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Thành phố cũng đã đề ra chiến lược đến tận nhà thăm khám, lập danh sách tiêm vaccine, đồng thời đẩy nhanh việc tiêm liều tăng cường mũi 3 cho người dân trong tháng 1/2022.

Nhiều mô hình sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong phòng chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Tuy nhiên, để thực sự đẩy lùi dịch bệnh thì cần những nguồn lực tổng hợp và tập trung, cụ thể là bất kể bệnh viện công hay tư, doanh nghiệp hay nhà thuốc tư nhân, đều đang tham gia nhiệm vụ chống dịch.

Phát huy tối đa nguồn lực y tế

Đầu tháng 12, Sở Y tế phát đi lời kêu gọi các nhà thuốc tham gia công tác phòng chống COVID-19. Tính đến nay, đã có hơn 800 trên tổng số 6.500 nhà thuốc đăng ký tham gia. Những nơi này sẽ cung ứng thuốc cho F0 điều trị tại nhà, tư vấn phỏng chống dịch cho người dân.

Ngành y tế kêu gọi những người từng là F0, nay đã khỏi bệnh và có kháng thể tham gia dịch vụ chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Lập tức đã có những doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ người nuôi bệnh tham gia. Hơn 60 tủ thuốc không đồng ở các phường xã của TP Hồ Chí Minh đến nay đã trao tặng hơn 20.000 túi thuốc cho các F0 điều trị tại nhà.

Đây chỉ là một vài ví dụ trong nhiều mô hình phòng chống dịch COVID-19 đang được triển khai ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó có thể thấy rõ chiến lược cộng đồng, mỗi người dân, doanh nghiệp, nhà thuốc… đều là 1 chiến sĩ, chủ động trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ địa bàn họ sinh sống.

Bên cạnh những thành quả cũng có những điểm có thể coi là mặt trái. Ví dụ, việc điều trị F0 tại nhà tăng cao, các loại thuốc điều trị COVID-19 được bán phổ biến tại các nhà thuốc thì cũng xuất hiện tình trạng rao bán thuốc điều trị COVID-19 tràn lan trên mạng, trong đó có cả các loại thuốc chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Nhiều mô hình sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong phòng chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Nguy cơ từ mua bán tràn lan thuốc điều trị COVID-19

Loại thuốc C có tên Molnupiravir đang được các trạm y tế sử dụng cho F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên do chưa đánh giá được hết dược chất tác động đến sức khỏe người sử dụng nên người bị nhiễm COVID-19 phải ký cam kết đồng ý khi sử dụng thuốc. Loại thuốc này hiện được ngành y tế quản lý khá chặt chẽ và chưa cấp phép lưu hành ra thị trường, nhưng thực tế lại đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, qua quá trình thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir có hiệu quả tích cực trong việc điều trị F0. Loại thuốc này bỗng nhiên trở thành hàng hiếm. Nhiều người thậm chí không mắc bệnh vẫn muốn mua để dự trữ, bất chấp chất lượng và giá thuốc.

Nhiều mô hình sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong phòng chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Theo quy định, thuốc điều trị COVID-19 có 3 loại. Gói A nhẹ nhất, các cơ sở y tế, nhà thuốc tư nhân được bán tự do. Gói B cũng được phép bán nhưng buộc phải có đơn của bác sĩ. Riêng gói C phải do bác sĩ trực tiếp chỉ định và cấp phát tại các bệnh viện, cơ sở y tế, không được phép mua bán trên thị trường bởi các yêu cầu chuyên môn ngặt nghèo.

"Molnupiravir hoặc Favirpiravir đều là những loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, như vậy việc lưu hành những sản phẩm này trên hệ thống không gian mạng hoặc trên thị trường mua bán với nhau đều là bất hợp pháp. Hiện nay, Sở Y tế cũng phối hợp với công an thành phố để điều tra đối với trường hợp ghi nhận trên hệ thống mạng", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.

Việc người dân tự ý dùng các loại thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Chưa nói đến việc thuốc rất dễ bị người bán nâng khống giá cả, thậm chí bán hàng giả, hàng kém chất lượng để trục lợi.

Song song với việc đấu tranh các biểu hiện tiêu cực, điều ngành y tế và các chuyên gia luôn nhấn mạnh đó là tính nghiêm túc trong phòng chống dịch của người dân. Các biện pháp được nới lỏng, linh hoạt để thích ứng với tình hình mới nhưng cái khó nhất là làm sao để người dân không chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước