Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa tại Tây Nguyên sẽ xua đi bao nhiêu cái bức bách, nóng nực, thiếu nước suốt một mùa khô hạn. Nhưng mưa về, nước trên các dòng sông, con suối dâng lên, đặc biệt vào cao điểm mùa mưa bão; mức nước dâng lại càng tỷ lệ thuận với nỗi lo của người dân, khi hàng trăm hồ, đập, đê bao đã và đang xuống cấp.
Nhiều công trình hồ đập ở Đăk Nông xuống cấp nghiêm trọng
Hồ số 2, huyện Đăk Glong có máng tràn thủng lỗ chỗ, thân trơ những khung sắt han gỉ, yếu ớt và có thể vỡ bất kể lúc nào.
Không chỉ thế, thân đập đã xuất hiện lỗ hổng sâu rộng tới 2m, ăn vào nửa thân đập vô cùng nguy hiểm.
Cũng cùng huyện Đăk Glong, hồ Đăk Pin. Không còn hệ thống tiêu năng máng tràn, hai bên đã bị sói vào sát đường. Nước đã mấp mé bờ đê, dù mùa mưa chưa đỉnh điểm.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đăk Nông có hơn 278 hồ đập thì có tới 70 hồ đã xuống cấp. Thậm chí hầu hết các hồ tuổi thọ trên 25 năm chưa từng lần nào được đánh giá thực trạng đang nguy cấp thế nào.
Nhiều đường thân đập cũng đã xói lở nghiêm trọng. Những mặt hồ vốn yên bình nhưng không ai dám chắc nó sẽ ra sao khi mùa mưa sắp vào cao điểm.
Nhiều hồ đập 3 không ở Đắk Lắk
Trong số 70 hồ xuống cấp ở Đăk Nông, 8 hồ có nguy cơ cao sẽ xảy ra sự cố khi mưa lũ bất thường. Chung tình trạng các hồ đập xuống cấp như Đăk Nông, tỉnh Đắk Lắk có hơn 700 hồ đập, đê bao thì cũng có 12 hồ trong nguy cơ sẽ xảy ra sự cố.
Không chỉ xuống cấp, các công trình ở đây theo tiêu chuẩn hồ đập an toàn thì ngoài không đạt điều kiện, nó còn luôn ở trong tình trạng 3 không - không bê tông kiên cố hóa, không máng tràn, không mái đê và còn nhiều thứ không khác.
Đắk Lắk có tới 160 hồ đang xuống cấp thì đa phần là các hồ đập 3 không, không bê tông kiên cố, không còn mái đập, không máng tràn. Nhiều công trình còn không có đường vào, phải đi nhờ nhà dân, nhiều hồ không có cống lấy nước đầu mối.
Các sự cố hồ đập năm 2019 tại Đăk Nông, Đắk Lắk
Theo người dân chia sẻ, hồ EA Nao mỗi lần có mưa lớn xảy ra chỉ cần 1 đến 2 tiếng, nước sẽ dâng cao khoảng 2m. Nếu nước chảy siết, lượng nước nhiều sẽ gây nguy hiểm cho thân đập.
Thực trạng này đang dẫn tới những mối nguy hiểm khôn lường. Không chỉ là nguy cơ mà điều này đã xảy ra bởi thực chất các hồ đập, đê bao xuống cấp này đã xảy ra sự cố vào năm 2019.
Tại Đắk Lắk, tháng 8/2019, đê bao Quảng Điền tại huyện Krong Ana bị vỡ, hàng trăm ha lúa bị ngập và thiệt hại. Cũng mùa mưa năm trước, hồ Ea Nao ở Thành phố Buôn Ma Thuột bị vỡ cống, hàng nghìn hộ gia đình ở hạ lưu đã phải di tản tạm thời.
Tại Đăk Nông, hồ thôn 2, ở Đăk Song; bị thủng, 40 hộ dân đã được báo động chuẩn bị di dời. Cũng thời điểm tháng 8/2019 khi đê Quảng Điền ở Đắk Lắk vỡ, Thủy điện Đăk Kar ở Đăk Nông - bị kẹt van xả, 5.000 hộ dân tại Đăk Nông, Bình Phước; cũng đã được báo động phải di dời khẩn cấp để tránh nguy hiểm.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Đăk Nông, Đắk Lắk, để sửa chữa, nâng cấp các hạng mục hồ đập, đê bao cần số vốn tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng Đăk Nông mỗi năm được cấp khoảng 10 tỷ đồng, Đắk Lắk cũng chẳng hơn. Tức là chỉ đủ sửa chữa một số hạng mục nhỏ.
Dự kiến tháng 8 sẽ là cao điểm của mùa mưa, mùa bão lũ. Chính vì thế, tỉnh Đắk Lắk đã gửi đơn kêu cứu tới Bộ NN&PTNT sớm có những hỗ trợ để tỉnh khắc phục phần nào của 12 đập đang xuống cấp nhất. Bởi trong số này, một công trình đã từng vỡ năm 2019 khiến cho hàng ngàn người dân bất an.
Người dân gần hồ đập, đê bao xuống cấp bất an khi mùa mưa bão sắp đến
Toàn Tây Nguyên có đến cả ngàn hồ lớn nhỏ, kể cả các hồ chứa nước, chưa kể các hồ thủy điện. Dự báo lượng mưa năm nay có thể diễn biến bất thường. Chính vì thế, khi sống gần bên những hồ đập, đê bao hay cả đập thủy điện dù lớn, dù nhỏ vào mùa mưa bão đều đáng lo ngại, chưa kể những công trình đã và đang xuống cấp. Họ ví sống gần các hồ đập, đê bao xuống cấp như ở gần những quả bom nước nổ chậm.
Đê bao Quảng Điền, huyện Krong Ana năm 2019 đã bị vỡ khiến ảnh hưởng hàng trăm ha lúa ở đây. Nhiều phần đê đã bị đập sụt hết mảng bê tông để lộ khoảng trống.
Các hộ dân sống gần đê thi thoảng lại tự vá những lỗ hổng trên thân đê nhưng xem chừng chẳng thấm vào đâu.
Ám ảnh cảnh vỡ đê năm trước, sợ nước tràn về không thể kiểm soát, các hộ dân nơi đây vụ này phải cấy lúa và thu hoạch trước 1 tháng so với năm 2019.
Mùa mưa bão sắp tới, nhiều hộ vẫn cố bám trụ dưới những thân đập dù đã sạt lở nhưng nhiều gia đình, đặc biệt nhưng nhà ở ven các hồ lớn, thậm chí đã chuyển đi nơi khác sinh sống vì lo sợ.
Dự kiến 1 tháng nữa sẽ là cao điểm của mùa mưa. Tuy nhiên, những cơn mưa ở thời điểm này đã khiến các dòng nước đã ào ào đổ về sông suối, lòng hồ, kéo theo cả sự bất an gia tăng.
Khi hàng trăm hồ đập tại Tây Nguyên đang xuống cấp nghiêm trọng, nguồn vốn rất lớn là cần thiết để tu sửa, gia cố những hồ đập nguy cấp nhất rồi tiến tới làm mới những hồ đập đê bao này khi có điều kiện. Tuy nhiên, việc chờ đợi có còn kịp khi tính mạng của người dân lại mong manh trong mùa mưa bão. Bao nhiêu tiền liệu có đổi được tính mạng của người dân khi sự cố xảy ra?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!