Nhiều ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng

Thùy Dương-Thứ ba, ngày 01/08/2023 20:56 GMT+7

VTV.vn - Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận hàng chục trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó nhiều ca biến chứng nặng.

Gần 35.000 trường hợp mắc tay chân miệng và đã có 15 ca tử vong trên cả nước từ đầu năm đến nay. Đáng nói, có sự gia tăng tỷ lệ các ca dương tính với chủng EV71. Theo các chuyên gia, chính đặc điểm này đã khiến các ca bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

Một bệnh nhi vừa qua cơn nguy kịch do bị biến chứng viêm não của bệnh tay chân miệng. Cũng bởi trên cơ thể bé xuất hiện ít nốt màu đỏ nên gia đình không phát hiện ra. Theo các bác sĩ, đây cũng là nguy cơ tiên lượng nặng.

"Hai ngày ở nhà có cho uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm, cháu nó cứ sốt. Chỉ nghĩ nó sốt thông thường như thời gian mọc răng", bà Chu Hồng Hạnh, người nhà bệnh nhân huyện Thạch Thất, Hà Nội, chia sẻ.

"Cháu vào viện trong tình trạng sốt cao. Những bạn này sốt nặng sẽ tiến triển tiếp thành độ 3 và độ 4 thì lúc đấy sẽ biến chứng viêm não. Những trường hợp nặng sẽ hôn mê, thậm chí nếu tổn thương cơ tim, bệnh nhân có thể sốc và tử vong", TS. BS. Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết.

Nhiều ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng - Ảnh 1.

Gần 35.000 trường hợp mắc tay chân miệng và đã có 15 ca tử vong trên cả nước từ đầu năm đến nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Tương tự, một bệnh nhi khác cũng bị biến chứng viêm não do mắc tay chân miệng, trước đó bệnh nhân sốt cao, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Các bác sĩ cho biết, có đến gần 30% số bệnh nhi nhập viện nặng do chủng EV71. Đây là chủng thường gây bệnh nặng và dễ gây các biến chứng nguy hiểm.

"Với tay chân miệng, bệnh diễn tiến có thể nặng lên trong khoảng thời gian có thể từ 6 - 12 tiếng cho đến 1 ngày, phải theo dõi kỹ các dấu hiệu như sốt, không đáp ứng thuốc hạ sốt, nôn nhiều, ăn uống kém, ngủ nhiều...", TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay.

Thông thường, trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn có những sai lầm trong việc tự điều trị dẫn đến bệnh trở nặng. Trong khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa nên phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc.

TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng

VTV.vn - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng và sốt xuất huyết vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước