Nguy cơ mất nghề do lũ muộn ở ĐBSCL

Anh Thư (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 30/08/2016 08:37 GMT+7

Người dân ĐBSCL vẫn mòn nỏi mong chờ mùa nước nổi. Ảnh minh họa

VTV.vn - Đã gần hết tháng 7 âm lịch nhưng mực nước tại những vùng đầu nguồn của ĐBSCL vẫn thấp, chưa tràn đồng. Nỗi lo không còn mùa nước nổi lần nữa hiện hữu trước mắt người dân.

Nếu điều này lặp lại trong năm 2016, sinh kế gắn với mùa lũ của nhiều hộ dân sẽ bị đe dọa như câu chuyện tại làng nghề ngư lưới cụ Thơm Rơm tại Cần Thơ hay làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa, An Giang.

Nỗi lo từ làng lưới Thơm Rơm

Các cửa hàng bán lưới từ năm 2015 đến nay doanh số lưới bán ra sụt giảm đáng kể, có cơ sở từ mấy trăm nhân công vào mùa nước nổi, giờ chỉ duy trì vài ba chục người. Hơn 30 năm theo nghề lưới cá, họ chưa từng thấy khi nào lũ lại chậm như năm nay.

Không có nước, không có lũ khiến người dân nơi đây phải giảm bớt sản xuất, tính đường chuyển sang công việc khác mưu sinh để giữ chân lao động ở làng. Hiện làng đã có khoảng 300 người đi lên thành phố kiếm việc.

Trong khi đó, những người lao động nghèo sinh sống nhờ vào các con nước cũng khó khăn hơn vì nước ngày càng kém kéo theo lượng thủy sản giảm, thu nhập thấp.

Dù đã bước vào mùa lũ nhưng nhiều cửa hàng bán lưới vẫn ở tình cảnh vắng khách. Năm nay, lại tiếp tục một năm... mong lũ mòn mỏi ở ĐBSCL.

Làng lưỡi câu Mỹ Hòa, An Giang: Đua nhau tìm nghề sinh kế mới


Trong khi đó, tại làng lưỡi câu Mỹ Hòa, một làng nghề nổi tiếng ở ĐBSCL từng cung cấp lưỡi câu ra cả nước ngoài, chuyện duy trì nghề lúc này đang trở thành mối lo chung của nhiều bà con.

Từ năm 2015 đến nay, khi con nước kém dần, thu nhập cũng bị tác động. Làm nghề không đủ sống đã khiến nhiều hộ phải tìm sinh kế khác.

Từng có thời điểm làng có gần 200 hộ làm nghề nhưng nay chỉ còn 30 hộ. Nhân lực làm nghề giờ chỉ còn người già. Theo nhiều người dân trong làng, do hai năm nay việc buôn bán rất chậm nên nhiều người đã lên Bình Dương tìm sinh kế.

Câu chuyện của những làng ngư cụ đã cho thấy một vấn đề lớn của ĐBSCL với gần 20 triệu dân. Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đất này chiếm 55% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Người dân vùng ĐBSCL đều biết sự trù phú của miền Tây chính là nhờ lũ. Lũ đem phù sa, chất dinh dưỡng bồi đắp dần theo thời gian để có vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây như bây giờ. Vì vậy, mất lũ sẽ có những tác động lâu dài và nghiêm trọng.

Theo nhiều chuyên gia, việc lũ không về khiến đất nông nghiệp không được bồi đắp phù sa, không có nước vệ sinh đồng ruộng. Bà con sẽ tốn nhiều chi phí phân bón, thuốc trừ sâu... khi vào vụ lúa mới. Không còn được lũ mang dòng phù sa bồi đắp hàng năm, miền Tây phải đối mặt việc bị lún sâu, sạt lở và có thể biến mất trong hàng trăm năm tới và quan trọng hơn nữa là nỗi lo sinh kế của bà con.

Trước đây, hoạt động sản xuất mùa nước nổi ở hai địa phương đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp đã tạo ra giá trị hơn 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần cả triệu lao động địa phương trong 3-4 tháng mùa lũ. Tuy nhiên, 2 năm nay, lũ không có khiến hiệu quả của các mô hình sản xuất mùa nước nổi giảm mạnh.

Mùa nước nổi không về miền Tây Mùa nước nổi không về miền Tây

VTV.vn - Đã gần hết tháng 7 âm lịch, nhưng đến nay ở miền Tây, con nước vẫn không tràn lên mặt ruộng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước