Người là ánh sáng niềm tin chốn lao tù

Thùy Dung-Thứ hai, ngày 02/09/2024 10:02 GMT+7

VTV.vn - Nghe tin Bác Hồ mất, trong những ngày tháng đau thương, các chiến sĩ cách mạng ở chiến trường, trong nhà lao đế quốc đã biến nước mắt thành quyết tâm, thành hành động.

Ngày 2/9 - ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mãi mãi rời xa chúng ta cách đây tròn 55 năm.

Người ra đi giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, ngày 2/9/1969.

Đó là tổn thất vô cùng lớn lao, đau thương vô hạn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam khi mất một vị lãnh tụ thiên tài, một người thầy vĩ đại, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết của bạn bè quốc tế. Những ngày tháng đau thương đó, các chiến sĩ cách mạng ở chiến trường, trong nhà lao đế quốc đã biến nước mắt thành quyết tâm, thành hành động.

Tại nhà lao Phú Quốc, vượt qua mọi đàn áp của kẻ thù, các chiến sĩ đã bảo vệ đến cùng hình ảnh thiêng liêng của Người.

Người là ánh sáng niềm tin chốn lao tù - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

"Đến tháng 4/1970, chúng tôi mới biết tin Bác mất. Anh em ở Phú Quốc luôn luôn nói về Bác, thế mới giữ được chí khí của mình", ông Phạm Quang Hiền, cựu tù chính trị tại nhà lao Phú Quốc (giai đoạn 1969 - 1973), chia sẻ.

"Khi nghe tin Bác, khu tù binh Non Nước đều rưng rưng nước mắt. Không chịu nổi! Có chết cũng để tang cho Bác Hồ. Cái băng tang là một miếng vải đen được may vào cái áo nâu của tù binh. Tụi nó đánh rất kinh khủng nhưng không có đồng chí nào khóc, không có đồng chí nào la, không có ai tự mình gỡ băng tang đâu, mà giữ một cách cẩn thận, giữ một cách cương quyết", ông Lê Tấn Nhật, cựu tù chính trị tại nhà lao Non Nước, Đà Nẵng (giai đoạn 1968 - 1970), cho biết.

"Nhà tù Chí Hòa, nó lệnh phải phá bàn thờ. Mấy chị đã tuyên bố một cách rắn rỏi là: "Chúng tôi để tang cho lãnh tụ, muốn dẹp bàn thờ thì phải bước qua xác chết của chúng tôi", bà Đào Thị Huyền Nga, cựu tù chính trị tại Khám Chí Hòa và nhà tù Côn Đảo, kể lại.

Trong các nhà tù đế quốc, tưởng nhớ và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đấu tranh không kém phần quyết liệt. Không hình thức tra tấn, khủng bố nào có thể lay chuyển được bản lĩnh, khí phách của các chiến sĩ cách mạng. Giữa những đau đớn về thể xác và tinh thần, di chúc của Bác đã được bí mật chuyển vào các nhà lao.

Tình cảm đặc biệt của người dân với Bác Hồ Tình cảm đặc biệt của người dân với Bác Hồ

VTV.vn - Mỗi dịp gần đến ngày 2/9, người dân cả nước lại nô nức đến viếng thăm các "địa chỉ đỏ" gắn với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước