Di tích quốc gia “Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946” nằm trong làng lụa Vạn Phúc (TP.Hà Nội) là một “địa chỉ đỏ” thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người người dân và du khách khi đến tham quan làng lụa.
Trước kia, di tích này là nhà ở của gia đình cụ Nguyễn Văn Dương, một người làng Vạn Phúc sống chủ yếu bằng nghề dệt lụa và làm nông. Gia đình ông là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên ở Vạn Phúc, cũng là nơi nuôi giấu các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt khi hoạt động bí mật.
Trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc từ ngày 3 - 19/12/1946. Trong 2 ngày 18 - 19/12/1946, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”.
Căn nhà 3 gian kết cấu hình chữ U 2 tầng xây dựng năm 1941-1942 được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính Nhà lưu niệm Bác Hồ. Bên phải và bên trái ngôi nhà chính là hai dãy nhà ngang, mỗi dãy ba gian, trước đây đặt khung cửi, đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, nâng cấp trần và nền.
Tại nơi làm việc và nghỉ ngơi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầng hai, chiếc bàn thờ nhỏ với di ảnh Bác được đặt trang nghiêm ngay chính giữa.
Bộ bàn ghế mây - nơi Bác Hồ thường xuyên họp bàn với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận kế sách kháng chiến, đặc biệt là cuộc họp Ban chấp hành Trung ương mở rộng.
Căn phòng nhỏ bên trái có diện tích chưa đầy 12m2 với chiếc giường gỗ dẻ quạt đơn sơ, chiếc gối gỗ sơn màu huyết dụ. Kề bên giường là bàn làm việc, trên bàn là chiếc đèn dầu hỏa, trang bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Những ngày này, khi cả nước hướng đến kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), di tích này đã tiếp đón nhiều đoàn cán bộ, học sinh, nhân dân cả nước đến tham quan, học tập, trải nghiệm.
Tự hào, xúc động sau khi thăm căn phòng nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: “Tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc, tôi cảm nhận được sự thân thương, mộc mạc, giản dị của Bác. Những địa chỉ như thế này là nơi giáo dục truyền thống cách mạng tốt nhất cho thế hệ trẻ”.
Trong khuôn viên của di tích, người dân còn được xem những hình ảnh trưng bày về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta; lịch sử của ngôi nhà…
Không gian trưng bày hình ảnh, thông tin về gia đình cụ Nguyễn Văn Dương - một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên ở Vạn Phúc. Sau này, gia đình cụ Nguyễn Văn Dương đã tặng lại Nhà nước ngôi nhà để làm nơi trưng bày, giới thiệu tư liệu lịch sử, cách mạng.
Di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 21/2/1975 và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp lại vào ngày 16/6/2014.
Trong khuôn viên di tích còn có không gian trưng bày các hiện vật, hình ảnh về làng lụa Vạn Phúc.
Nhiều hoạt động về nguồn, sinh hoạt chính trị đã được tổ chức tại di tích “Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, để các thế hệ không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!