Nghiên cứu phương án chống dịch COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho Đà Nẵng

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 04/08/2020 10:51 GMT+7

Phun khử khuẩn trên các tuyến đường quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: TTXVN.

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án chống dịch COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho Đà Nẵng như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý cho phù hợp.

Tính toán thực hiện giãn cách phong tỏa thế nào là việc quan trọng

Tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh, thành phố về phòng chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị áp dụng các phương pháp chống dịch tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) cho thành phố Đà Nẵng.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 ngày 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu để triển khai hợp lý ý kiến trên.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Khi dịch bùng phát, thành phố Đà Nẵng đã được khoanh vùng ngay. Dù là ngày nghỉ, Thủ tướng đã chủ trì họp bàn và đưa ra giải pháp đồng bộ".

Nghiên cứu phương án chống dịch COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho Đà Nẵng - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì Họp báo. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, ổ dịch bao gồm các tổ hợp bệnh viện, dân cư xung quanh sống gần khu vực đó, quán hàng ăn, cơ sở dịch vụ, đi lại thăm thân, chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ… đã được khoanh vùng và kiểm soát chặt chẽ. Ngành giao thông vận tải đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thông báo của Thủ tướng khuyến cáo người dân không có việc thì không nên đến vùng dịch trong thời điểm này.

Quan điểm chung là các vùng dịch thì phải khoanh vùng, dập dịch, "đám cháy to khoanh to, đám cháy nhỏ khoanh nhỏ". Còn các vùng khác không phải ổ dịch, ví dụ một thôn Bùi xã Hòa Tiến, tỉnh Thái Bình, người ta chỉ khoanh vùng thôn Bùi, giãn cách xã hội, khoanh đúng chỗ đó.

"Như vậy, muốn nói khoanh vùng bán kính nhỏ vừa đủ để khoanh, dập dịch, đồng thời bảo đảm kinh doanh, thông thương nền kinh tế. Kinh nghiệm các nước đều thực hiện chiến lược mục tiêu kép như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ở Việt Nam, khống chế dịch bệnh nhưng cũng cần duy trì phát triển kinh tế. Vừa qua có địa phương chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19, có địa phương có ca nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng do thăm bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân, có quan hệ F1… Ta tính toán đưa ra trạng thái vừa đủ, không nên cứng quá" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.

Chia sẻ về bài học từ Singapore, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, khi dịch bùng phát trong khu công nhân Singapore có 380.000 người, Singapore đã thực hiện đóng của toàn quốc. Toàn bộ nền kinh tế phải chi trả hơn 100 tỷ đô la Singapore, giải cứu nền kinh tế, trong khi 99% số lây nhiễm COVID-19 là trong khu công nhân.

Sau này, khi đánh giá việc này, có nhiều chuyên gia của Singapore về kinh tế, y tế đều cho rằng chỉ cần cách ly khu trung tâm ký túc xá công nhân giải quyết, không cần đóng của mọi hoạt động toàn quốc, phát sinh chi phí quá lớn.

"Do đó, tính toán thực hiện giãn cách phong tỏa thế nào là việc quan trọng" - người phát ngôn Chính phủ cho biết.

Nghiên cứu phương án chống dịch COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho Đà Nẵng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi của phóng viên về một số nội dung liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết thêm: "Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã gợi ý về bài học kinh nghiệm TP Vũ Hán là: Bệnh COVID-19 này ở Đà Nẵng đã âm thầm lây nhiễm cả tháng, đang lan ra, cần chuẩn bị tinh thần ở mức cao nhất. Đó là yêu cầu tất cả người dân ở nhà, hằng tuần chỉ cử 1 người của gia đình ra ngoài mua đồ ăn, tiến tới người đó không được đi nữa mà có người khác mang đến… Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, nghiên cứu phương án mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý cho phù hợp với tình hình dịch bệnh".

Sắp có Chỉ thị mới về phòng chống dịch COVID-19

Liên quan đến việc xây dựng Chỉ thị mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã họp với Ban Chỉ đạo chống dịch và các tỉnh, thành phố. Hiện VPCP đã hoàn thiện thông báo kết luận cuộc họp nêu trên. Trên tinh thần của thông báo kết luận này, VPCP sẽ cùng các cơ quan chức năng và Bộ Y tế soạn thảo Chỉ thị mới trong điều kiện tình hình mới hợp lý.

"Tinh thần là sẽ đưa ra giải pháp nhanh nhất, mạnh nhất và kịp thời chủ động ứng phó, dập tắt ổ dịch. Riêng với Đà Nẵng, Thủ tướng đã kết luận về việc bổ sung lực lượng y tế, nhân viên y tế, tăng cường khả năng xét nghiệm, tăng cường máy xét nghiệm để truy vết, chúng ta làm nhanh mới dập được dịch. Trang thiết bị cho phòng chống dịch Thủ tướng đã chỉ đạo phải tập trung hỗ trợ tuyệt đối cho Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương đang có ca bệnh" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết nhấn mạnh.

Nghiên cứu phương án chống dịch COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho Đà Nẵng - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh:VGP)

Trước đó, khi dịch có xu hướng lên cao từ đầu tháng 3, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 16, trước đó là Chỉ thị số 15, thực hiện giãn cách toàn xã hội, vì lúc đó đỉnh dịch, các tỉnh đều có xu thế lây nhiễm cộng đồng, khác với lây chéo trong phạm vi nhất định.

Thực tế vừa qua, một số địa phương phản ứng nhanh như thực hiện tạm thời dừng tụ tập đông người, không quá 30 người, dừng các hoạt động không thiết yếu. TP Hà Nội và TP.HCM cũng đã có kinh nghiệm trong vấn đề này.

Hiện công tác rà soát, thống kê, xét nghiệm, thực hiện cách ly theo quy định, công bố thông tin các trường hợp F1 và người trở về từ vùng dịch vẫn đang được Hà Nội tích cực thực hiện.

Nghiên cứu phương án chống dịch COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho Đà Nẵng - Ảnh 4.

Phố đi bộ tạm dừng các hoạt động tập trung đông người lần thứ 2 vì dịch COVID-19. (Ảnh: VOV)

 Sở Y tế được giao chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố bổ sung đủ mẫu xét nghiệm nhanh cho các quận, huyện, thị xã; chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn thực hiện nghiêm việc khám, chữa và điều trị bệnh theo đúng quy trình phòng, chống dịch COVID-19 đối với tất cả trường hợp đến bệnh viện, đặc biệt đối với các khoa điều trị cho bệnh nhân có bệnh lý nền nặng hoặc chạy thận; hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân.

Sở Y tế tiến hành liên hệ với các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố thuộc tuyến trung ương, các bộ, ngành và các đơn vị y tế ngoài công lập đủ năng lực xét nghiệm để tăng cường xét nghiệm cho Hà Nội; khẩn trương báo cáo Bộ Y tế cơ chế đặt hàng về xét nghiệm PCR để kịp thời cung cấp cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch.

Tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Sở - ngành cập nhật và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực; Không tụ tập quá 30 người ngoài cơ quan, công sở, bệnh viện và trường học; ngành Y tế chủ động chuẩn bị phương án cách ly, sẵn sàng tình huống có 50 người nhiễm và điều trị, 10.000 người phải cách ly.

Bên cạnh đó, thành phố đang tăng cường hoạt động truy vết, điều tra khoanh vùng người tiếp xúc gần với các ca bệnh xác định đang có mặt tại TP. Hồ Chí Minh để cách ly y tế, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm kiểm tra COVID-19; Tăng cường xét nghiệm sớm các trường hợp F1 đảm bảo có kết quả trong vòng 24h để có phương án cách ly tại nhà cho các trường hợp F2 nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước