Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau

Nguyễn Sơn – Lê Phức-Thứ năm, ngày 18/11/2021 10:30 GMT+7

VTV.vn - Ở bệnh viện Tuệ Tĩnh giữa thủ đô Hà Nội vẫn có hơn 100 nhân viên y tế đang phải vật lộn mưu sinh và đấu tranh với những nghịch lý trong chính đơn vị của mình.

Lãng phí trong mua sắm thiết bị y tế

Trong khi rất nhiều bệnh viện trên cả nước đang gặp khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị y tế chống dịch, thì ít ai biết rằng, bên trong bệnh viện Tuệ Tĩnh - đơn vị trực thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam - có tới hàng chục các loại máy móc, thiết bị y tế mới tinh đã mua sắm từ nhiều năm nhưng chưa từng một lần sử dụng.

Chiếc máy điện não 34 kênh có giá hơn 300 triệu đồng, từ khi mua về đã nằm phủ khăn ở đây và chưa từng điều trị cho bất cứ bệnh nhân nào.

"Máy này mua về đã hơn 2 năm rồi nhưng chưa sử dụng, được phân máy nhưng chưa được phân phòng, cũng không có người làm, để như thế này rất lãng phí, có khi máy còn hỏng trước cả khi đưa vào sử dụng", một nhân viên y tế cho biết.

Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 1.

Dưới đất, máy điện não vứt chỏng chơ, trên nóc tủ 2 chiếc máy đo chức năng hô hấp cũng còn nguyên trong hộp. Dù đây là một trong những thiết bị y tế quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19, thế nhưng từ khi mua về, nhân viên trong bệnh viện cũng chỉ mở ra xem rồi lại để lên nóc tủ.

Nhân viên y tế cho biết: "Khi giao về phòng cũng nói là sẽ để sử dụng, nhưng mà không thấy triển khai, cũng không thấy trên giao cho phòng kế hoạch tổng hợp báo cáo để đưa vào sử dụng".

Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 2.
Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 3.

Tại các khoa phòng trong bệnh viện, hầu hết giường bệnh đều trống, thế nhưng máy móc mới tinh, mua về xếp xó lại rất nhiều. Trong khi đó, giá các loại thiết bị y tế đặc chủng như máy laser điều trị châm cứu không hề rẻ. Thậm chí có một số loại thiết bị y tế như máy nội soi được nhập về cho Khoa Tai - Mũi - Họng, thế nhưng lãnh đạo khoa kiên quyết từ chối vì không phù hợp với mục đích sử dụng. Trong khi đó, nhân viên y tế trong khoa vẫn phải sử dụng chiếc máy nội soi cũ hỏng từ hơn chục năm trước.

Chị Trần Thị Thúy Hòa, nhân viên y tế bệnh viện Tuệ Tĩnh nói: "Máy này không thể nào soi tai mũi họng được, nó chỉ dành cho soi sản, thế nên các anh trong khoa kiên quyết từ chối".

Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 4.

Thiết bị y tế mua về nhưng không dùng nhiều đến nỗi không còn chỗ để, phải để lẫn với các loại chất thải nguy hại. Máy móc mua về không dùng, để lâu hư hỏng đã đành. Nhưng cũng có những thiết bị như nồi hấp tiệt trùng vừa mua về, chưa kịp bàn giao để đưa vào sử dụng đã hỏng. Trong khi đó chiếc nồi hấp cũ, vẫn còn tem kiểm định đến tháng 1/2022 và theo nhân viên kỹ thuật của bệnh viện thì vẫn sử dụng tốt, đã bị vứt bỏ trên sân thượng.

Theo bà Tạ Thị Hương, Phó trưởng phòng tổ chức, hành chính Bệnh viện Tuệ Tĩnh: "Tôi vẫn biết có phản ánh của cán bộ là máy móc mua về để không, không sử dụng đến, có những máy móc mua rất đắt tiền trong khi hiệu suất sử dụng rất ít thì tôi nghĩ đấy là lãng phí".

Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 5.

Chiếc máy có giá hơn 2 tỷ đồng và số lần sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tác dụng chính của nó là làm chỗ treo quần áo cho các nhân viên y tế. Tại hầu hết các khoa phòng của Bệnh viện Tuệ Tĩnh đều có nhiều loại thiết bị y tế chưa từng 1 lần đưa vào sử dụng. Trong khi đó toàn bộ số thiết bị này đều được mua sắm bằng ngân sách nhà nước và phải tuân thủ quy trình đấu thầu chặt chẽ của Bộ Y tế.

Để tìm hiểu lý do vì sao Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại mua sắm nhiều thiết bị y tế rồi sau đó không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Phóng viên đã liên hệ với Ban Giám đốc bệnh viện, tuy nhiên lãnh đạo bệnh viện từ chối trả lời phỏng vấn và gửi văn bản phúc đáp, trong đó giải thích: Từ năm 2020 đến nay bệnh viện chưa tiếp nhận trang thiết bị nào, các thiết bị y tế ít sử dụng là do dịch bệnh COVID-19 và sinh viên chưa nhập học trở lại.

Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 6.

Tuy nhiên, theo những tài liệu phóng viên được các nhân viên y tế trong Bệnh viện Tuệ Tĩnh cung cấp thì theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị y tế cho bệnh viện năm 2020, đơn vị này đã được trang bị 21 thiết bị y tế các loại, với tổng giá trị 5 gói thầu lên tới 16 tỷ 8 trăm 75 triệu đồng. Trong đó, những thiết bị đã đánh dấu là thiết bị không sử dụng, hoặc sử dụng rất ít.

Đến năm 2021, bệnh viện này lại tiếp tục xây dựng kế hoạch mua sắm thêm hàng loạt thiết bị y tế đắt tiền với tổng số tiền đầu tư lên tới 18 tỷ 2 trăm 33 triệu đồng.

Như vậy những thông tin này hoàn toàn mâu thuẫn với nội dung trả lời từ năm 2020 đến nay chưa nhận thêm thiết bị nào của ban giám đốc bệnh viện Mua sắm nhiều trang thiết bị đắt tiền để không sử dụng gây lãng phí. Có lẽ ai cũng nghĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị dư giả về tài chính. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại

Nhọc nhằn cuộc sống của nhân viên y tế

Công tác tại bệnh viện Tuệ Tĩnh đã 11 năm, dù đã được vào biên chế chính thức thế nhưng từ năm 2019 đến nay, mức lương của chị Huyền cứ ngày một thấp dần. Đến tháng 5/2021 tổng mức lương 1 tháng của chị chỉ còn 2.350.000 đồng. Số tiền ít ỏi này được sử dụng để trả tiền thuê nhà trọ và chăm lo cuộc sống cho 4 miệng ăn.

"Mớ rau bây giờ cũng phải 14.000-15.000, 1 lít xăng cũng 25.000 đồng, với mức lương như vậy em không thể chi tiêu nổi cái gì", chị Huyền, điều dưỡng Khoa phụ sản chia sẻ.

Với mức lương còn thấp hơn cả những công việc lao động phổ thông, hết 1 ngày làm việc, cởi chiếc áo blouse trắng, chị Huyền lại chọn một góc vỉa hè trên phố Phan Đình Giót ngồi bán rau kiếm sống. Những thứ nông sản này được chị về tận quê ngoại mang ra bán đế có thêm chút tiền lãi.

"Tùy hôm, có hôm cũng ế lắm, hôm nào bán hết hàng thì cũng chỉ được 80.000 - 100.000 đồng thôi. Cả gia đình quay theo mình luôn, ăn cũng muộn hơn, ngủ cũng muộn hơn, có hôm 12 giờ mới cho con đi ngủ vì phải kèm con học nữa. Nó cứ bảo mẹ ơi, mẹ bác sĩ đi bán rau".

Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 7.
Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 8.

Câu nói đùa của con trẻ là nỗi đau không chỉ với riêng chị Huyền. Hơn 100 nhân viên y tế của bệnh viện Tuệ Tĩnh đều đang hưởng mức lương hơn 2 triệu đồng từ hơn nửa năm nay. Nhiều người phải tranh thủ hết giờ làm việc đi bán trà đá, bán hàng online kiếm sống. Có những nhân viên y tế ngày ngày chữa bệnh cứu người nhưng lại không có đủ tiền để đi chữa bệnh cho chính người thân của mình.

"Mẹ đẻ tôi năm 2019 bị tai nạn, hiện tại một tay của bà đang bị liệt mà cũng không có tiền để đi mổ. Bây giờ tôi gần 40 tuổi rồi mà hàng ngày tôi vẫn phải về ngửa tay xin tiền mẹ tôi. Trên tôi không thể lo cho bố mẹ, dưới tôi không thể lo cho con tôi", chị Trần Thị Thúy Hoa, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh nói.

Dù cuộc sống của các nhân viên y tế khó khăn thiếu thốn trăm bề, thế nhưng bệnh viện vẫn mạnh tay chi tiền, mua sắm những thiết bị y tế trị giá hàng chục tỷ đồng. Để rồi sau đó đắp chiếu chưa 1 lần sử dụng hoặc vứt bỏ trong kho rác thải y tế. Đội ngũ lãnh đạo bệnh viện vẫn được hưởng nguyên lương, trong khi nhân viên chỉ được hưởng 50% mức lương cơ bản, khiến cho chính những bệnh nhân ít ỏi đang điều trị nội trú tại bệnh viện này cũng phải làm đơn kiến nghị gửi Ban Giám đốc.

"Bệnh nhân chúng tôi mong muốn được các bác sĩ toàn tâm toàn ý, khi thu nhập của họ như vậy thì họ phải có công việc ngoài như đi bán rau thì rõ ràng họ không thể tập trung vào chuyên môn được, lúc đó chúng tôi cũng phải rút để tìm một bệnh viện khác hợp lý hơn", một bệnh nhân chia sẻ.

Chị Nguyễn Thu Huyền - Phó trưởng phòng quản lý chất lượng và công tác xã hội – Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay: "Chúng em vẫn cam kết đồng hành, chấp nhận mức lương như thế này để mong bệnh viện phát triển nhưng đến giờ phút này bệnh viện không có động thái gì cũng không có câu trả lời là bao giờ chúng em có lương".

Trong công văn trả lời VTV, lãnh đạo bệnh viện cho rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị. Bệnh viện hầu như không có bệnh nhân, các chỉ tiêu chuyên môn không đạt dẫn tới nguồn thu thấp. Hiện tại bệnh viện vẫn đang nợ 50% lương cán bộ công nhân viên và chưa có nguồn kinh phí để trả lương các tháng tiếp theo.

Sẵn sàng mua thiết bị y tế hàng chục tỷ đồng về đắp chiếu nhưng lại không trả nổi mức lương cơ bản cho cán bộ công nhân viên. Nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này lại bắt đầu từ một nghịch lý khác đó là hàng loạt công văn xin vay tiền của Bệnh viện Tuệ Tĩnh gửi cho đơn vị chủ quản là Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Suốt từ năm 2018 đến năm 2019, hầu như tháng nào bệnh viện này cũng gửi công văn xin vay tiền, tháng thì vài trăm triệu, có tháng hơn 1 tỷ đồng. Tiền làm ra không đủ chi tiêu, thế nhưng đáng ngạc nhiên là vào tháng 6/2019, bệnh viện này lại được giao quyền tự chủ về tài chính. Quyết định này khiến cho thu nhập và hoạt động chuyên môn của bệnh viện này ngày càng đi xuống.

Bất cập trong quy trình tự chủ

Trực thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được thành lập vào năm 2006 với mục tiêu trở thành cơ sở thực hành cho sinh viên của học viện. Thế nhưng không hiểu lý do vì sao, năm 2019, bệnh viện này lại chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính để khám chữa bệnh dịch vụ, cho dù có đến 84,32% cán bộ công nhân viên không đồng ý với quyết định chuyển đổi cơ chế này

Chị Nguyễn Thu Huyền - Phó trưởng phòng quản lý chất lượng và công tác xã hội – Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho rằng: "Mô hình xây dựng của Bệnh viện Tuệ tĩnh là hoàn toàn khác với các bệnh viện khác. Nếu các bệnh viện khác xây dựng với mục đích khám chữa bệnh thì các vị trí phục vụ bệnh nhân nó sẽ khác với môi trường là một cơ sở thực hành với các labo, giảng đường, phòng thí nghiệm như Bệnh viện Tuệ Tĩnh".

Nghịch lý ở bệnh viện giữa Thủ đô: Bác sĩ phải đi bán rau - Ảnh 9.

Chính vì không phù hợp với mục đích khám chữa bệnh nên số lượng bệnh nhân đến với Bệnh viện Tuệ Tĩnh không nhiều, chỉ đạt khoảng 10-15% số giường bệnh. Thu nhập quá thấp, không đảm bảo đời sống cho các y bác sĩ thế nhưng Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại là bệnh viện hạng 2 duy nhất trên cả nước áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính. Nghịch lý này khiến cho các nhân viên y tế nhiều lần gửi kiến nghị đến cơ quan cấp trên. Tuy nhiên cuộc họp bất thường của một lãnh đạo Bộ Y tế khiến cho sự việc đã rối lại càng thêm rối.

Lãnh đạo bộ y tế: Tôi xin hỏi các anh chị ở học viện, ở đây đã có anh chị nào phải bán nhà chưa?

Chị Lê Thanh Huyền, Điều dưỡng khoa phụ sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh: Em làm gì có nhà để mà bán, nhà em còn đang phải đi thuê đây này, tiền đâu ra đi mua nhà để mà bán.

Nguy cơ một cơ sở thực hành về y dược học cổ truyền cho sinh viên khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động khiến cho giáo sư Trương Việt Bình, người khai sinh ra Bệnh viện Tuệ Tĩnh rất băn khoăn trăn trở. Theo giáo sư, phương án duy nhất để khắc phục khó khăn hiện tại của đội ngũ cán bộ y tế đó là đưa bệnh viện trở lại đúng mục tiêu ban đầu đề ra.

Giáo sư. Tiến sỹ Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Gần 2 năm nay họ khổ quá, trong khi họ vẫn phải làm việc, vẫn phải tồn tại, vẫn phải nuôi sống gia đình, chúng ta không nên để như thế nữa. Chúng ta đã cho họ tự chủ thì bây giờ tôi đề nghị Bộ tài chính, Bộ Y tế cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh thôi tự chủ, đến khi đủ điều kiện chính muồi thì hãy cho tự chủ tài chính".

Thật khó có thể tìm được sự liên quan giữa khó khăn trong cơ chế tự chủ tài chính và việc mua sắm hàng loạt thiết bị y tế đắt tiền rồi để lãng phí không hoạt động. Câu hỏi này đã được đặt ra cho lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa có câu trả lời

Trước những dấu hiệu bất thường tại Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam, mới đây, thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiếp dân, giải quyết đơn thư tại học viện này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sau 45 ngày thanh tra của Bộ Y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước