Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cũng như đưa giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học và người dân.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng, dữ liệu, công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi.
Trung tâm dữ liệu có quy mô hơn 2.000 tủ mạng, nơi đây có thể lưu trữ, xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bảo mật ở mức cao nhất. Việc đưa vào vận hành những trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, công nghệ hiện đại sẽ giúp dữ liệu được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
"Đưa vào những trung tâm dữ liệu, chúng ta sẽ tận dụng được những ứng dụng tính toán, những ứng dụng phân tích của trung tâm dữ liệu lớn. Chúng ta sẽ có được những thông tin để chúng ta có những chia sẻ và đặc biệt là lưu trữ được thông tin của doanh nghiệp lâu an toàn, hiệu quả", ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết.
Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng và phát triển các công nghệ số. (Ảnh minh họa - Ảnh: Nhân dân)
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số chính là xây dựng hạ tầng số trong đó có hạ tầng về dữ liệu. Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số và mức tiêu thụ dữ liệu ngày càng tăng, theo tính toán, mỗi năm Việt Nam phải đầu tư xây dựng 3 trung tâm dữ liệu loại trung bình.
Theo chiến lược hạ tầng số, trong năm nay, Việt Nam sẽ hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh, tạo nền tảng cung cấp các dịch vụ công nghệ số. Hiện nay, cả nước có tổng số 28 dự án trung tâm dữ liệu với sự tham gia của 44 nhà cung cấp dịch vụ.
"Sẽ phải có những quy hoạch về phát triển dữ liệu, tổ chức dữ liệu quốc gia một cách tổng thể không chỉ là tổ chức dữ liệu cho Chính phủ điện tử mà tổ chức dữ liệu cho bản thân các hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội và thậm chí đến từng cá nhân", ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nhận định.
Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng và phát triển các công nghệ số. Có những chính sách khuyến khích đầu tư, mua, thuê các sản phẩm, dịch vụ số; xây dựng, hoàn thiện và dùng chung các nền tảng số quốc gia, hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số; thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
"Bản thân đầu tư cho khoa học công nghệ rất tốn kém, nếu đầu tư tất cả thì tiềm lực của chúng ta không thể đảm đương được. Trong nghị quyết này ghi rõ là một số công nghệ chiến lược chúng ta ưu tiên vượt bậc so với những ngành khác. Đó là những lĩnh vực rất cụ thể và gắn kết với những ngành khác tạo giá trị, hiệu quả kinh tế xã hội lớn cho đất nước, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam thì nó mới lợi ích, về lâu dài đem lại vị thế cạnh tranh của chúng ta trên bản đồ công nghệ thế giới", PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khẳng định.
Theo Nghị quyết 57, tới đây, toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ được chuyển lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, đảm bảo bí mật nhà nước. Nông nghiệp, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông… sẽ là những lĩnh vực được ưu tiên đẩy mạnh sản xuất thông minh. Cùng với đó, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng cũng sẽ là vấn đề được chú trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!