Nắng nóng kéo dài có thể dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ra ngộ độc

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 03/05/2024 10:07 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng nắng nóng kéo dài ở TP Hồ Chí Minh tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

15 học sinh ở TP Hồ Chí Minh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

15 học sinh của 4 trường tiểu học đã nhập viện vào sáng 2/5, do nghi ngộ độc thực phẩm, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Trong số đó, 10/15 em bị học sinh bị ói sau khi ăn sushi. Một học sinh bị chóng mặt, buồn nôn sau khi ăn bánh mì trước cổng trường. Các học sinh khác sử dụng thực phẩm mua trước cổng trường hoặc trên đường đi.

Tăng tần suất kiểm tra đột xuất về thực phẩm

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, thời tiết nắng nóng gay gắt, có lúc lên đến hơn 40 độ C. Tình trạng nắng nóng kéo dài tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, việc tăng cường giám sát, kiểm tra và kịp thời xử lý các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang được các ngành chức năng của TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng.

Nắng nóng kéo dài có thể dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ra ngộ độc - Ảnh 1.

Tiểu thương chợ An Sương, quận 12 luôn đeo găng tay, khẩu trang tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: PLO)

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, trong đó tập trung khá nhiều bên ngoài các trường học. Không được che đậy kỹ lưỡng, mức giá rẻ, nhiều loại không có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Đó là những lý do khiến những điểm bán thức ăn đường phố ẩn giấu nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh, đặc biệt là trong mùa nắng nóng hiện nay.

"Tất cả những thực phẩm để ra ngoài môi trường bên ngoài, vài tiếng đồng hồ là bị ôi thiu, vì nó đúng là môi trường sống của con vi trùng. Nó sẽ gây những bệnh như ngộ độc thức ăn, kiết lỵ, dịch tả, ói mửa, khuẩn thương hàn", bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết.

Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm kéo dài từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5, những bếp ăn tập thể, bếp ăn trong trường học và các điểm bán thức ăn bên ngoài trường học ở tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ được tăng cường giám sát.

"Tất cả những bếp tập thể, những nơi cung cấp suất ăn cho trường học, đặc biệt là trường học, chúng tôi có những thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất thường xuyên liên tục trong năm, nhằm thông qua những kiểm tra, thanh tra đó kịp thời phát hiện và uốn nắn những vi phạm, làm sao để bảo vệ từ nguồn", bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng diễn ra trên cả nền tảng mạng, vì vậy những hình thức kinh doanh thực phẩm trực tuyến cũng cần được tăng cường kiểm tra, xử lý.

"Chúng ta phải có những giải pháp quản lý thực phẩm trên các trang mạng, làm sao giảm được nguy cơ người tiêu dùng phải sử dụng những thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng", ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhận định.

Quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 660 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3 người tử vong. Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Ngoài việc thanh, kiểm tra, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân cũng được tập trung đẩy mạnh.

Vụ nghi ngộ độc sau ăn bánh mì ở Đồng Nai: Hơn 300 người nhập viện Vụ nghi ngộ độc sau ăn bánh mì ở Đồng Nai: Hơn 300 người nhập viện

VTV.vn - Liên quan đến vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 300 người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước