Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 18/10/2021 14:09 GMT+7

VTV.vn - Đã có 3 người thiệt mạng và 3 người mất tích do mưa lũ tại miền Trung. Nhiều khu vực bị ngập lụt, giao thông bị chia cắt, nhiều đoạn đê kè chắn sóng bị vỡ.

Mưa lớn dồn dập nhiều ngày qua đã ảnh hưởng khá nặng nề tới các tỉnh miền Trung.

Tại Hà Tĩnh, đến trưa nay, lượng mưa đã giảm so với ngày 17/10. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đất đang xảy ra tại nhiều nơi. Do nước lũ vẫn chưa rút nên sáng 18/10, hơn 24.000 học sinh Hà Tĩnh đã buộc phải nghỉ học.

Hiện trên tuyến QL15B đi qua xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên đã bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục điểm sạt lở đã xuất hiện dọc tuyến đường này.

Trong sáng 18/10, chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo ở 2 đầu các vị trí sạt lở, nghiêm cấm các phương tiện lưu thông, đồng thời tiến hành nhắc nhở, di dời người dân ở các vùng nguy hiểm ra khỏi khu vực sạt lở.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung - Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường bị ngập sâu. Ảnh: TTXVN

Do tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra nên công tác giải phóng hiện trường không thể triển khai. Với tình hình như hiện nay, có khả năng tình trạng sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp hơn.

Mưa lũ cũng đã khiến nhiều vùng thấp trũng của huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, TX Kỳ Anh bị ngập từ 0,5-1 m.

Hiện mưa đã ngớt, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng đang xem xét các phương án tạm ngừng điều tiết lũ. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng đang diễn biến phức tạp tại huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang và Đức Thọ. Hàng trăm mét đường đã bị sạt lở xuống bờ sông đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân.

Hiện tình trạng sạt lở bờ sông vẫn đang diễn ra. Chính quyền địa phương đang tiếp tục gia cố những vị trí bị sạt lở và tìm các phương án khắc phục triệt để.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung - Ảnh 2.

Kè biển Nhật Lệ bị sóng đánh tan hoang. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Còn tại Quảng Bình, nhiều đoạn đê kè chắn sóng đã bị vỡ, đã có những thiệt hại về người và tài sản tại địa phương này.

Không chỉ có tuyến đê kè biển thuộc xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, mà nhiều điểm đê kè tại phường Hải Thành, Quang Phú của TP Đồng Hới hay ở huyện Quảng Trạch, các điểm đê kè bị sóng đánh vỡ như này diễn ra khá phổ biến.

Do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục 2 ngày qua, mực nước tại sông Kiến Giang đã trên mức báo động 3, hàng ngàn ngôi nhà đã bị ngập. Nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ xuất hiện sạt lở và rạn nứt.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung - Ảnh 3.

Quốc lộ 9C (Km32+200) bị sạt lở khiến xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị chia cắt.Ảnh: TTXVN

Tại Quảng Bình đã có 2 người mất tích, một người do đi thuyền thăm hồ tôm, một người thì mất tích khi lội suối. Hiện nay chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân đang tích cực phối hợp để khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ này, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân địa phương.

Trong 2 ngày qua, các cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 đang khẩn trương hỗ trợ người dân các tỉnh thành khắc phục hậu quả mưa lũ.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung - Ảnh 4.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tại các địa bàn, khu vực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vùng ngập lụt, sạt lở...Ảnh: Võ Dung -TTXVN

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và dân quân, phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương tổ chức di dời hơn 500 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu đến nơi an toàn; sửa chữa 73 nhà tốc mái, hư hỏng nặng.

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang các địa phương cũng kịp thời tuyên truyền, vận động, di dời được hàng nghìn người dân tại các khu vực có nguy có xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi tránh trú an toàn.

Lũ trên nhiều sông ở Trung bộ vẫn ở mức cao

Mưa lớn ở Trung Bộ đang thu hẹp, lũ trên các sông cũng xuống dần nhưng vẫn còn ở mức cao. Dự báo trong ngày 18/10 và 19/10, vùng mưa tập trung ở phía Nam tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị, lượng mưa từ 50-150 mm, có nơi trên 180 mm.

Lũ trên sông Kiến Giang, Quảng Bình đang xuống chậm, đến chiều 18/10, mực nước vẫn cao trên báo động 3:30 cm.

Các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tiếp tục xuống, dao động ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Với mức lũ này, ngập lụt vẫn tiếp diễn ở các vùng trũng thấp ven sông, đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền Trung - Ảnh 5.

Nhiều tuyến đường tại tỉnh Kon Tum bị ngập do mưa lớn kéo dài. Ảnh: TTXVN

Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa lũ

Mặc dù mưa lũ ở miền Trung đang giảm cường độ nhưng mối nguy hiểm từ ngầm tràn và sạt lở đất vẫn còn ở mức cao. Sáng 18/10, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã họp với các địa phương để đưa ra những biện pháp ứng phó.

Đợt mưa lớn kéo dài 3 ngày qua ở Trung Bộ và Tây Nguyên đã khiến 3 người thiệt mạng và 3 người mất tích.

Hàng nghìn hộ dân từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế bị ngập. Thiệt hại hơn 2.000 ha lúa và hoa màu. Dự báo từ nay đến ngày 19/10, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị vẫn có mưa vừa, mưa to, nên lũ trên các sông xuống chậm.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công điện ngày 17/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó mưa lũ, đồng thời khuyến cáo người dân không được chủ quan đi qua các ngầm tràn khi nước dâng cao, chảy xiết hay đánh bắt cá, vớt củi trên sông suối và tránh xa những vùng có nguy cơ bị sạt lở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước