Mùa dịch COVID - 19: Nỗi lo cơm áo và bạo hành

Ánh Kim, Đỗ Hòa-Thứ hai, ngày 28/12/2020 12:04 GMT+7

VTV.vn - Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không còn là chuyện mới nhưng giữa đại dịch COVID-19, thói quen xấu này lại có đất để tác oai tác quái.

"Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để thể hiện quyền kiểm soát trong gia đình hay đơn giản là để trút nhưng cơn giận trong men rượu. Áp lực mưu sinh giữa đại dịch cũng là lúc thêm nhiều nỗi đau bạo hành của người phụ nữ.

Tuy nhiên, những thách thức trong giảm thiểu bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái giữa đại dịch COVID-19 xuất phát từ 3 lý do chính khiến những người phụ nữ bị bạo hành im lặng và âm thầm chịu đựng là không muốn lộ chuyện gia đình; bị xã hội đánh giá bản thân và xu hướng giúp đỡ của các dịch vụ hỗ trợ thường chỉ là hòa giải.

Gia tăng tỷ lệ phụ nữ Việt bị bạo hành trong mùa dịch COVID-19

Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 510 triệu lao động nữ trong 4 lĩnh vực đã bị ảnh hưởng.

Mùa dịch COVID - 19: Nỗi lo cơm áo và bạo hành - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ảnh hưởng về việc làm, mức thu nhập được xem là đã có nhiều khoảng cách với nam giới trước đó không phải là những vấn đề duy nhất trở nên khủng hoảng và trầm trọng hơn trong đại dịch khi những khó khăn trong cuộc sống đã trở thành chất xúc tác bộc lộ nhiều hơn, rõ rệt hơn các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Theo số liệu của Trung tâm phụ nữ phát triển, tại Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị can thiệp hỗ trợ vì bạo lực gia đình đã tăng hơn 50%.

Số lượng được hỗ trợ tham vấn của Ngôi nhà Bình Yên - nơi tiếp nhận, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2019; số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên ở Hà Nội và Cần Thơ tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại nhiều gia đình, không ít những người phụ nữ vẫn đang vật lộn mưu sinh trong nỗi ám ảnh bạo hành từ chồng.

Vòng luẩn quẩn nỗi lo cơm áo và bạo hành mùa COVID-19

Dây điện chăng quấn vào, đánh từ đầu xuống, lấy nước đổ vào đánh tiếp, đi lên viện mấy lần, tưởng chết rồi… - hơn 20 năm chung sống, số lần bị chồng bạo hành của một phụ nữ khó có thể đếm hết. Với chị, nỗi ám ảnh từ những lần đi viện, những lần tưởng chết và cả những lần phải bỏ xứ đi xa vẫn không thể quên.

Mùa dịch COVID - 19: Nỗi lo cơm áo và bạo hành - Ảnh 2.

Một nạn nhân của bạo hành gia đình.

Trong ảnh hưởng đại dịch COVID-19, khi quầy bán vài con gà thịt sẵn ở góc chợ nhỏ khó kiếm tiền hơn cũng là lúc số đêm ngủ nhờ ở ngoài của chị nhiều hơn. Ngại ngủ ở nhà ngoại nhiều nên chị đành phải đi ra nhà nghỉ để ngủ.

"COVID-19 không làm được, chỉ uống rượu, đòi tiền, đòi thỏa mãn sinh lý… Mình đi làm suốt ngày, không cho được là ông ấy đánh…" là những gì chị phải chịu đựng thời gian qua.

Mùa dịch COVID - 19: Nỗi lo cơm áo và bạo hành - Ảnh 3.

Người chồng nghỉ dịch COVID-19 chỉ nằm nhà, uống rượu,cáu bẳn vợ, con...

Chồng chị làm thợ hồ. Công việc bấp bênh thêm khó hơn giữa đại dịch trở thành cái lý cho việc chán chường ở những ngày không việc, không tiền, nằm nhà… uống rượu, cáu bẳn vợ, con… mặc tuyên bố không đánh vợ sau lần phải đi cải tạo vài năm trước.

Thế nhưng, những biện minh từ người chồng cũng thật vô lý vì "không có việc gì, nằm nhà vợ cứ mắng thì mình mắng lại chứ có gì đâu… Cỗ bàn nọ kia lại bảo tiền đâu ra mà hết". Anh chồng còn cho rằng anh phải có bạn bè có lúc đồng ra đồng vào, uống rượu uống chè, người ta bao một lần rồi mình phải đáp lại…

Mùa dịch COVID - 19: Nỗi lo cơm áo và bạo hành - Ảnh 4.

Con gái do chứng kiến cảnh bạo lực tại gia đình cũng đánh bạn đến... nhập viện.

Và khi cả bố lẫn mẹ quay vòng trong nỗi lo mưu sinh, trong những trận mắng chửi, bạo hành, đứa con gái mới 15 tuổi đã bỏ học dở dang. Dù được mẹ xin cho đi học nghề thì cũng bỏ học sau đó chỉ 3 ngày bởi… đánh bạn, chửi cô.

Người vợ chua xót kể, do vợ chồng chị đánh chửi nhau nhiều, con gái nó cũng chán, bỏ đi lang thang suốt. Bố đánh con nhiều nên tức, thậm chí còn bảo mua bả chuột về pha cho bố nó uống. Chị nói may con còn dại, ra kể với mẹ nên mẹ không cho, nếu không thì chồng chị… chết lâu rồi.

Người phụ nữ này đã lên tiếng dù chưa thể tìm cho cuộc sống của mình một giải pháp tốt cho cả bản thân cùng sự trưởng thành của con cái. Tuy nhiên, đáng nói, chị chỉ là một trong số rất ít các nạn nhân của bạo hành gia đình dám lên tiếng về vấn đề này.

Vì sao phụ nữ bị bạo hành vẫn im lặng nín nhịn?

Hiện chúng ta có hệ thống các Trung tâm công tác xã hội, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hay Ngôi Nhà Bình Yên 1900 969 680 để tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới và thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới. Tuy nhiên, đại đa số phụ nữ đã chọn cách im lặng hoặc tự tìm cách tự giải quyết khi phải hứng chịu bạo lực gia đình.

Theo kết quả điều tra Bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 có đến 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính quyền, dịch vụ công…

Mùa dịch COVID - 19: Nỗi lo cơm áo và bạo hành - Ảnh 5.

Nạn nhân 60 tuổi (giữa) phải chịu cảnh chồng bạo hành nhiều năm qua.

Cam chịu cảnh bị chồng bạo hành suốt hàng chục năm. Chỉ đến năm nay, ảnh hưởng từ dịch COVID-19, căng thẳng gia đình lên đến đỉnh điểm, bị chồng dùng dao lam rạch mặt phải đi cấp cứu, người phụ nữ 60 tuổi mới quyết tâm phản ánh lên chính quyền địa phương.

Thế nhưng, số trường hợp lên tiếng như người phụ nữ này chỉ nằm trong số rất ít. Bởi theo kết quả từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ đầu tiên thực hiện năm 2010, có tới hơn 90% phụ nữ bị bạo hành không dám lên tiếng hay tìm kiếm sự giúp đỡ. Đáng nói là sau gần 10 năm, tỷ lệ này vẫn chưa mấy thay đổi dù nhận thức về bạo lực giới đã được nâng cao.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết: "Việt Nam là 1 trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã tiến hành cuộc điều tra này. Qua 10 năm, sự cởi mở tiến bộ thay đổi của phụ nữ thay đổi rất lớn. Họ sẵn sàng chia sẻ, đấu tranh, phản bác, phê phán, tố giác đối với bạo lực phụ nữ".

Tuy nhiên, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội lý giải nguyên nhân nhiều phụ nữ bị bao hành vẫn im lặng bởi 3 lý do chính là không muốn lộ chuyện gia đình; bị xã hội đánh giá bản thân; xu hướng giúp đỡ thường là hòa giải.

Dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành chưa thực sự phát huy hiệu quả, thiếu tập trung cũng là nhận định của Đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam.

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam hiện có các trung tâm công tác xã hội trên khắp cả nước, tuy nhiên, các trung tâm này chưa hướng tới việc hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Các dịch vụ hỗ trợ gồm chăm sóc thể chất, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ an toàn, tư vấn pháp lý và các dịch vụ phúc lợi xã hội nên được cung cấp tại một địa điểm tránh việc nạn nhân phải tìm kiếm dịch vụ".

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ phụ nữ vượt qua nỗi ám ảnh bạo hành mùa dịch COVID-19

Để ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em một cách triệt để, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, theo đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam, biện pháp lâu dài là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là giới trẻ.

Cũng theo các chuyên gia, các chính sách và khung pháp lý tại Việt Nam cũng cần được hoàn thiện hơn nữa, đảm bảo nền tảng vững chắc cho việc phòng ngừa và ứng phó đối với bạo lực trên cơ sở giới.

Mùa dịch COVID - 19: Nỗi lo cơm áo và bạo hành - Ảnh 6.

Theo các chuyên gia, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới ở Việt Nam cần thiết thực hơn.

Trong nỗ lực đưa ra các giải pháp để hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, tháng 4/2020, Quỹ Dân số LHQ cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA đã hỗ trợ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thiết lập Trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực Ngôi nhà Ánh Dương với số điện thoại hotline miễn phí 1800 1769. Đây được xem là trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới theo hình thức một cửa đầu tiên ở Việt Nam với đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, miễn phí hoàn toàn, đó là nơi tạm trú tạm lánh an toàn, hỗ trợ pháp lý, tâm lý…

Bị đánh đập, nguy hiểm, suy sụp, thậm chí phải mang theo con đi trốn là trạng thái của hầu hết các nạn nhân bị bạo hành khi tìm đến ngôi nhà Ánh Dương thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.

Vì vậy, ngay tại đây, nạn nhân sẽ được hỗ trợ về y tế, ổn định tâm lý, đảm bảo an toàn, hỗ trợ tư pháp thay vì phải tìm kiếm nhiều dịch vụ hỗ trợ cùng một lúc.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, trong thời gian cao điểm bùng phát dịch COVID-19, mô hình hỗ trợ tại Ngôi nhà Ánh Dương đã thực sự phát huy hiệu quả khi đây là thời điểm được đánh giá là có nguy cơ bạo lực giới gia tăng.

Cũng theo các chuyên gia, vấn đề bạo lực giới trước nay vẫn hiện hữu trong xã hội. Trực tiếp hỗ trợ việc làm cho phụ nữ bị bạo lực nhiều năm nay, theo chị Đặng Thị Hương, đại diện Hopebox, điều mà nạn nhân bị bạo lực cần nhất là khẳng định giá trị của bản thân và vượt qua tổn thương về tâm lý.

Ông Nguyễn Phúc Phong, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh chai sẻ: "Những nạn nhân khi đến với trung tâm công tác xã hội được chúng tôi tìm hiểu rất kỹ về từng hoàn cảnh để tư vấn, có giải pháp hỗ trợ, không chỉ là khi ở ngôi nhà Ánh Dương mà còn hỗ trợ các giải pháp phòng tránh các hành vi tương tự xảy ra với nạn nhân và liên tục kết nối để kịp thời hỗ trợ".

Có thể thấy, bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào đều có nhu cầu được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Lấy nạn nhân làm trung tâm, đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin sẽ là những nguyên tắc đối với mọi mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước