Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử

Anh Tuấn, Phùng Định,, Ngọc Thi, Nguyễn Phương-Thứ hai, ngày 18/11/2024 15:03 GMT+7

VTV.vn - Rác thải điện tử ngày càng gia tăng, trong khi nhiều cơ sở thu gom, xử lý trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Trong cuộc sống hiện đại, vi mạch điện tử đã trở thành một phần quen thuộc trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đến các thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng, chính những vi mạch này lại là nguyên nhân gây ra mối đe dọa lớn đối với môi trường thông qua rác thải điện tử – một thách thức lớn đối với công tác quản lý và xử lý môi trường hiện nay.

Khi các sản phẩm điện tử ngày càng phổ biến và nhu cầu sử dụng tăng cao, lượng rác thải điện tử cũng gia tăng đáng kể. Việc thu gom và xử lý loại rác thải này đang trở thành áp lực lớn đối với các cơ quan chức năng. Đây không chỉ là vấn đề thuần túy về môi trường, mà còn liên quan đến trách nhiệm liên ngành trong việc xây dựng các giải pháp bền vững.

Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử - Ảnh 1.

Quốc hội bàn giải pháp xử lý rác thải điện tử

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng ngày 5/6, vấn đề này tiếp tục thu hút sự quan tâm và thảo luận của các đại biểu. Một trong những trọng tâm được nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc liên kết giữa các ngành để xử lý triệt để rác thải điện tử.

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đã đặt vấn đề về việc xử lý rác thải điện tử. Ông Nghĩa, Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Rác điện tử từ hàng chục triệu người tiêu dùng đã chiếm số lượng rất lớn và các ngành đều biết, nhưng tôi chưa thấy sự phối hợp giữa hai ngành này. Điều này sẽ cản trở sự phát triển bền vững của chúng ta trong tương lai?"

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định rằng: "Chúng tôi không phải không có sự phối hợp giữa hai ngành hay nhiều ngành với nhau, trên thực tế trong mọi chính sách, cơ chế Chính phủ đã ban hành hoặc bộ đề xuất thì đều phải gắn kết trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng. Bởi một mình không bao giờ làm được. Cho nên, chúng tôi cảm ơn đại biểu nhắc nhở nhưng chúng tôi đã, đang và sẽ làm như vậy."

Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử - Ảnh 2.

Báo động tình trạng rác thải điện tử tại Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Việt Nam đang đối mặt với một bài toán lớn về rác thải điện tử. Hiện nay, mỗi năm cả nước phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, con số này được dự báo sẽ tăng lên 250.000 tấn vào năm 2025, chỉ tính riêng rác thải từ tivi và linh kiện điện tử. Đây là loại chất thải có tốc độ gia tăng nhanh nhất hiện nay, gây áp lực lớn đối với công tác quản lý và xử lý môi trường.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải điện tử khổng lồ là do tuổi thọ ngắn của thiết bị điện tử. Việc sản xuất thiết bị điện tử mới diễn ra liên tục. Điều này khiến các sản phẩm đang sử dụng nhanh chóng trở nên lạc hậu và bị đào thải. Kết quả là chúng được vứt bỏ một cách không thương tiếc và kết thúc vòng đời của mình ở các bãi rác công nghệ.

Thứ hai, do xu hướng công nghệ liên tục phát triển và chuyển đổi, góp phần tạo ra rác thải điện tử ngày một nhiều hơn.

Thứ ba, do hệ thống thu gom xử lý rác thải điện tử hiệu quả thấp, khiến lượng lớn rác thải này bị xả thẳng vào môi trường.

Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử - Ảnh 3.

Rác thải điện tử: Hiểm họa từ những làng tái chế trái phép

Dù được pháp luật quy định chặt chẽ về việc phân loại, lưu giữ và xử lý theo Thông tư 36/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động thu gom, mua bán và tái chế rác thải điện tử tại Việt Nam vẫn đang diễn ra một cách bừa bãi, bất chấp các điều kiện nghiêm ngặt. Sau thời gian dài điều tra thực tế, nhóm phóng viên đã phát hiện nhiều vi phạm tại các cơ sở thu gom và tái chế rác thải điện tử trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Tại thôn Bùi, xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, những thiết bị điện tử cũ như máy in, máy photocopy, hay điện thoại hỏng được chất đống dọc các con đường và tại các nhà xưởng. Những thiết bị này, vốn bị người dùng thải bỏ, lại trở thành "kho báu" nhờ chứa các vật liệu có giá trị như đồng, sắt, bảng mạch và thậm chí cả vàng.

Tại đây, các thiết bị điện tử đã qua sử dụng được tháo dỡ thủ công. Bảng mạch từ vợt muỗi, bàn phím máy tính hay các linh kiện điện tử khác đều được phân loại tỉ mỉ để bán lại theo giá trị riêng.

Bất chấp việc rác thải điện tử được xếp vào nhóm chất thải nguy hại, quy trình xử lý tại các làng tái chế đều vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong một nhà xưởng bí mật, hàng chục công nhân lao động ngày đêm để tháo dỡ và phân loại điện thoại cũ.

Nhiều công nhân không được cảnh báo về mức độ nguy hiểm của rác thải điện tử. Họ làm việc trong môi trường không có biện pháp bảo hộ, chỉ với mức lương 300.000 đồng/ngày. Họ hoàn toàn không nhận thức được rằng, các chất độc hại trong rác thải điện tử như chì, thủy ngân hay cadmium có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe."

Theo tiết lộ của các chủ cơ sở, mỗi tháng, hàng tấn điện thoại cũ hỏng được tháo dỡ và phân loại. Bảng mạch điện tử, mặt hàng có giá trị cao, được bán với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, chủ yếu cho các thương lái nước ngoài. Nhựa, kim loại, và các vật liệu còn lại đều được tận dụng triệt để, không có gì bị bỏ đi.

Cách thôn Bùi khoảng 1 km, tại xã Dị Sử, các nhà xưởng hoạt động với quy mô lớn hơn, với hàng trăm tấn rác thải điện tử được tập kết và phân loại mỗi ngày. Nhiều chủ cơ sở biết rõ sự nguy hại từ rác thải này, nhưng vẫn bất chấp vì lợi nhuận.

Hậu quả từ những cơ sở thu gom và tái chế trái phép không chỉ dừng lại ở ô nhiễm môi trường, mà còn dẫn đến hình thành một mạng lưới tiêu thụ rác thải điện tử phi pháp, bất chấp các quy định pháp luật về môi trường.

Những lý do đưa ra để mong cầu nhận được sự cảm thông. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng: từ các cơ sở thu gom - có quy mô lớn lớn như thế này- sẽ hình thành nên một đường dây tiêu thụ, tái chế trái phép rác thải điện tử, bỏ qua mọi quy định pháp luật về môi trường.

Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử - Ảnh 4.
Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử - Ảnh 5.

Báo động từ những bãi rác điện tử trái phép

Mặc dù quy định pháp luật đã yêu cầu mọi cá nhân, tổ chức hành nghề thu gom, phân loại rác thải điện tử phải có giấy phép môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, thực tế tại nhiều địa phương, các cơ sở này đang ngang nhiên hoạt động trái phép. Lợi dụng danh nghĩa làng nghề, không ít cơ sở bỏ qua quy định, hợp thức hóa các hành vi vi phạm môi trường bằng những lời biện minh thiếu trách nhiệm.

Thực trạng đáng báo động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn để lại những hậu quả lâu dài cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Tại thôn Bùi, xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, một bãi tập kết rác thải điện tử trái phép nằm lộ thiên giữa cánh đồng, ngày một mở rộng. Đủ loại rác thải như màn hình tivi, máy tính và nhựa từ các thiết bị điện tử hỏng được đổ ra đây sau khi các bộ phận giá trị đã bị tháo dỡ để bán.

Để giảm chi phí xử lý, các đối tượng thường sử dụng biện pháp đốt cháy thiết bị ngay tại bãi rác. Những đám cháy âm ỉ phát tán khói độc hại vào không khí. Do các thiết bị điện tử không dễ cháy, tại hiện trường, nhiều màn hình tivi cháy sém còn sót lại, tạo nên cảnh tượng ám ảnh.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở bãi rác tại thôn Bùi. Ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, cách đây khoảng bốn năm, hàng triệu màn hình tivi và rác thải điện tử đã bị đổ lộ thiên kéo dài hàng trăm mét. Để giảm thiểu ô nhiễm, chính quyền địa phương phải xử lý bằng cách chôn rác xuống đất, trong các hố được đào tại khu vực đất trũng cách xa dân cư.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, chia sẻ: "Vị trí đất trũng cách xa dân. Có quây phủ bạt tránh phát tán chất độc ra bên ngoài. Về lâu dài, xã sẽ cân đối kinh phí để xử lý và vận chuyển rác thải về điểm tập kết theo quy định."

Mặc dù chính quyền địa phương khẳng định mẫu rác điện tử được chôn không phải là rác thải nguy hại, nỗi lo của người dân vẫn chưa dứt.

Theo thời gian, cây đã mọc phủ kín bãi chôn lấp rác thải điện tử. Nhưng dấu vết những gì còn lại ở phía bên dưới thì vẫn nguyên vẹn. Thu gom, thải bỏ rác thải điện tử- vì một lý do nào đó mà bỏ qua hoặc coi nhẹ quy định pháp luật về môi trường thì hậu quả sẽ chẳng một ai lường trước được.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước