Đoàn thanh tra của Ủy Ban châu Âu sẽ sang Việt Nam
Thanh Hóa vừa thông báo danh sách 506 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định chống khai thác IUU và đưa 55 tàu ra khỏi danh sách có nguy cơ vi phạm. Thông tin từ Chi cục Thủy Sản Thanh Hóa.
Danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU được niêm yết tại các cảng cá và thông báo cho các Tổ thanh tra, kiểm soát.
Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa cũng đang phối hợp với các lực lượng chức năng tăng tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa lạch, bãi ngang, cảng cá, kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển khi không có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định.
Theo dự kiến, trong tháng 11 này, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra về tình hình thực hiện các yêu cầu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU). Đây là đoàn thanh tra thứ 5 sang Việt Nam trong 7 năm qua, kể từ khi EC chính thức rút "thẻ vàng" với nước ta.
Trong vòng một năm qua, đã có hơn 4.000 tàu cá khai thác bất hợp pháp và bị lực lượng chức năng của nước ta xử phạt. Số tiền phạt lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: "Tôi cho rằng, số lượng tàu cá vi phạm và số tiền xử phạt vi phạm hành chính là một trong những yếu tố cho thấy các địa phương hiện nay đang rất quyết liệt vào cuộc để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống IUU. Triển khai Nghị định 32 của Ban Bí thư, các công điện của Chính phủ, hiện nay các địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, phối hợp chặt chẽ với nhau và mở các đợt cao điểm. Đặc biệt, rà soát, củng cố các hồ sơ, chứng cứ để xử lý vi phạm hành chính với mục đích giảm dần các hành vi vi phạm khai thác IUU trong thời gian tới".
Dự kiến trong tháng này, đoàn thanh tra của Ủy Ban châu Âu sẽ sang Việt Nam
Nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản
Ngoài việc xử phạt, trong thời gian qua, một số địa phương như Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử lý hình sự đối với những trường hợp gắn thiết bị định vị tàu cá của mình sang tàu cá khác, hay cố tình đi khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Kinh nghiệm quốc tế cũng như tại Việt Nam, việc tăng chế tài xử phạt sẽ làm giảm các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 32 để tăng các chế tài cũng như tăng các mức phạt đối với các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp. Và trong tháng 6, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 04 với hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ phải xử lý hình sự. Trong thời gian vừa qua, khi thực hiện Nghị định 38 của Chính phủ cũng như Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân, trong vòng 3 tháng trở lại đây, số lượng vi phạm khai thác bất hợp pháp đặc biệt vi phạm khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài giảm rất đáng kể. Và trong ba tháng gần đây, chúng ta không phát hiện trường hợp nào vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài".
Dự kiến trong tháng này, đoàn thanh tra của Ủy Ban châu Âu sẽ sang Việt Nam. Với các địa phương, đặc biệt là bà con ngư dân để vừa đáp ứng được các yêu cầu của Ủy ban châu Âu trong việc gỡ được thẻ vàng thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều khuyến cáo.
Ông cho biết: "Trong thời gian vừa qua, các Bộ ngành cũng như địa phương đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp. Trong thời gian tới, chúng ta đề nghị các địa phương, Bộ ngành tiếp tục triển khai các Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, các công điện của Thủ tướng, và đặc biệt trọng tâm đối với các địa phương, thứ nhất cần phải tổng rà soát số lượng tàu cá để làm sao xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá "3 không" từ nay đến 20/11 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, kiểm tra rà soát, tránh tuyệt đối xảy ra các sự việc, vụ việc gian lận hồ sơ để xuất khẩu sang thị trường châu Âu EC. Thứ ba, tiếp tục mở các đợt cao điểm để rà soát, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đối với bà con ngư dân, chúng tôi khuyến cáo bà con ngư dân có ý thức hơn để tuân thủ quy định pháp luật, xác định việc chống khai thác IUU mang lại lợi ích, giá trị trực tiếp cho bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đề xuất bà con ngư dân sẽ đồng hành với các cơ quan quản lý Nhà nước để giảm thiểu tối đa hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững và duy trì sinh kế bền vững cho bà con ngư dân trong tương lai".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!