Lo ngại hạn mặn, người dân tìm cách ứng phó sớm

VTV Digital-Thứ tư, ngày 16/02/2022 14:19 GMT+7

VTV.vn - Việc người dân sớm có sự chuẩn bị sẽ giúp thích ứng tốt và hạn chế bị ảnh hưởng trong mùa khô hạn năm nay.

Mùa khô 2021 - 2022, xâm nhập mặn được các cơ quan chuyên môn dự báo khả năng đến sớm hơn so với mọi năm, diện tích lúa Đông Xuân, nuôi trồng thủy sản nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn cao điểm của xâm nhập mặn. Ngay trong hôm nay (16/2) và ngày mai, nước biển sẽ lấn sâu vào các cửa sông Vàm Cỏ và sông Cửu Long.

Ranh mặn 1g/l sẽ vào sâu khoảng 42 - 60km tính từ các cửa sông Hàm Luông, Cổ Chiên, sông Hậu và sông Cái Lớn. Đáng chú ý là sông Vàm Cỏ, mặn gay gắt hơn, có thể vào sâu tới 80 - 85km. Cụ thể, trên Sông Vàm Cỏ Đông đến Xã Thạnh Hòa, Huyện Bến Lức. Sông Vàm Cỏ Tây đến Phường 6, TP Tân An, Long An.

Lo ngại hạn mặn, người dân tìm cách ứng phó sớm - Ảnh 1.

Hồ chứa nước ngọt được người dân dùng trữ nước mưa trong những lúc khô hạn.

Dự báo sang tháng 3 và tháng 4, xâm nhập mặn có thể lên tới đỉnh điểm khi nguồn nước từ thượng lưu sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long giảm dần. Trên các sông Cửu Long, nước biển sẽ vào sâu trong các ngày 26/2 đến 5/3, 14 đến 19/3. Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 14 đến 19/3, 28/3 đến 3/4 và 12 đến 17/4. Ranh mặn 1g/l trên hầu hết các sông sẽ lấn thêm ít nhất là 10-20km nữa so với đợt này.

Để phòng tránh thiệt hại, Viện khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo bà con cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới, nhất là vùng trồng nhiều cây ăn quả ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Đối với lúa, phải chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc có mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè Thu.

Như vậy có thể thấy, xâm nhập mặn trên các sông chính tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức sâu 50km trở lên, từ nửa cuối tháng 2 này và đạt mức sâu nhất trong tháng 3 và đầu tháng 4. Với những cảnh báo sớm từ các cơ quan chức năng, nhiều hộ dân cũng đã bắt đầu tìm cách ứng phó sớm với hạn mặn, ngay từ những ngày đầu năm mới.

12 hồ chứa nước ngọt được gia đình ông Lý (xã Mỹ Hoà, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) dùng trữ nước mưa trong những lúc khô hạn. Rút kinh ngiệm từ những năm trước, năm nay nghe tin một số khu vực bị xâm nhập mặn sớm ông tranh thủ xúc rửa lại các hồ chứa nước này để trữ nước đề phòng hạn mặm có thể xâm nhập sâu đến khu vực ông đang sinh sống. Mặc dù hiện tại khu vực xã đã được làm cống công mặn trữ ngọt và đang phát huy tốt hiệu quả.

Để chủ động ứng phó với hạn mặn năm nay, các ngành chức năng đã liên tục khuyến cáo, vận động người dân thực hiện sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, ngay cả những khu vực chưa bị xâm nhập mặn cũng được chuẩn bị sẵn sàn để ứng phó khi hạn mặn xảy ra.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh sớm hơn năm trước. Độ mặn xâm nhập trên sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên có thể đạt mức 4 phần ngàn và trên sông cửa đại còn có thể ở mức cao hơn. Việc người dân sớm có sự chuẩn bị sẽ giúp thích ứng tốt và hạn chế bị ảnh hưởng trong mùa khô hạn năm nay.

Ngoài việc người dân chủ động ứng phó thì những năm qua, các công trình thủy lợi lớn cấp tỉnh đã được xây dựng, để ứng phó hạn mặn. Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã đưa vào vận hành hàng loạt các công trình thuỷ lợi, sẵn sàng các phương án ứng phó, để bảo vệ sản xuất, kiểm soát tốt nguồn nước.

Cống xẻo rắn được xây dựng khi thi công tỉnh lộ tỉnh 883 đã giúp cho hơn 1.200 hộ dân trong 7 ấp được đảm bảo nguồn nước ngọt phụ vụ đời sống và sản xuất, hơn 900 ha đất sinh hoạt, canh tác của người dân cũng không cần phải chịu cảnh thất thu do ảnh hưởng từ xâm nhập mặn như những năm trước. Điều này khiến ai nấy đều thấy vui lòng.

Còn tại huyện Bình Đại, do là vùng nuôi trồng thuỷ hải sản nên người dân thường xả nguồn nước mặn trong chăn nuôi trực tiếp ra thượng lưu Ba Lai dẫn đến độ mặn cũng liên tục tăng cao trong những ngày đóng cống trữ nước ngọt vừa qua. Ban quản lý cống đập cũng phải báo cáo lên trên và xã nước liên tục để đảm bảo nguồn nước ngọt dự trữ.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong năm qua, tỉnh đã triển khai 5 dự án thuỷ lợi quan trọng như hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, hệ thống cống kiểm soát mặn tại Ba Tri, Chợ Lách, cống Thủ Cửu, đập tạm Thành Triệu. Một số công trình đã được đưa vào sử dụng kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước