Người dân nơi đây thay nhau giữ gìn, xem đó là vật thiêng liêng, đem lại may mắn cho dân làng.
Bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng
Đền Trầm Lâm hay còn gọi là miếu Trăm Năm đóng tại xóm Phú Thành, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đền Trầm Lâm là một trong 3 di tích thuộc quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, được công nhận vào năm 2001. Đền có diện tích hơn 4ha, được quan tâm đầu tư, tu bổ một số hạng mục cơ bản. Đối với các báu vật vua Hàm Nghi ban, hiện đền đang lưu giữ có giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử. Nhân dân cùng chính quyền xã Phú Gia luôn trân trọng, mong muốn bảo tồn cho muôn đời sau.
Hai con voi bằng vàng, một con nặng 27 đồng cân và 17 đồng cân là một trong những báu vật linh thiêng được cất giữ tại đây.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi (lúc ấy mới 14 tuổi) đi ra vùng núi phía Bắc lánh nạn. Khi đến xã Phú Gia, vua Hàm Nghi dừng chân, lập căn cứ địa Sơn Phòng và ban bố hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân tiếp tục chống Pháp.
Tại đây, vua đã giao cho tướng Tôn Thất Thuyết làm lễ bài yết tại đền Trầm Lâm và đền Công Đồng. Tối đến, vua không vào thành mà ngủ ngay tại đền. Nhà vua vừa chợp mắt, trong giấc mơ, một vị tiên nữ trong bộ trang phục màu xanh hiện ra, báo mộng "Bọn bạch quỷ (thực dân Pháp) đang đưa quân vây ráp, nhà vua cần phải định liệu, nếu ở lại thì sát dân".
Tỉnh mộng, nhà vua đã triệu họp quân thần, bàn giao cho tướng Tôn Thất Thuyết làm lễ tạ ơn thần và dâng nhiều báu vật, sắc phong cho các vị thần thờ tại đền, gồm: hai con voi vàng (một con nặng 27 đồng cân, một con nặng 17 đồng cân - mỗi đồng cân tương đương một chỉ vàng), một con voi đồng, một con nghê, hai thanh bảo kiếm cùng tám bộ áo mũ triều thần, hơn 40 sắc phong…
Sau đó theo lời báo mộng, vua cùng quân thần rút lui vào vùng rừng núi ở Quảng Bình và thoát nạn. Hơn 100 năm qua, trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng người dân làng Phú Gia vẫn truyền tay nhau giữ gìn các báu vật linh thiêng mà vua Hàm Nghi ban. Câu chuyện về ngôi đền Trầm Lâm "cứu" vua Hàm Nghi trong thời chống Pháp và những vật vua ban cho ngôi đền, được người dân nơi đây thay nhau giữ gìn, xem đó là vật thiêng liêng, đem lại may mắn cho dân làng.
Trải qua hơn một thế kỷ, đã có hơn 50 vị cao niên trong làng được thần linh "ủy thác" trao chức cố đạo chủ, phụ trách cất giữ những báu vật vua ban. Việc tuyển cố đạo chủ mới cũng rất khắt khe, yêu cầu phải là người liêm khiết, cẩn trọng, chất phác, gia đình văn hóa, phải sống thọ cả ông và bà… Ngoài ra, người canh giữ báu vật không chỉ là được dân làng bầu chọn mà cần phải được sự "đồng ý" của các vị thần linh. Hàng năm, vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân xã Phú Gia sẽ tổ chức rước sắc phong đến nhà Cố đạo chủ mới.
: Giếng nước không đáy, đổi màu theo mùa tọa lạc ngay giữa đền Trầm Lâm.
Kỳ bí giếng nước đổi màu theo mùa
Điều đặc biệt nhất ở ngôi đền này là giếng nước tọa lạc ngay chính diện. Đến tận ngày nay, những người già nhất ở địa phương này cũng không biết giếng nước có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, quanh năm giếng chỉ giữ nguyên một mực nước không dâng, không cạn và đổi màu theo mùa. Những câu chuyện huyền bí về giếng thiêng thì già, trẻ, lớn, bé, hầu như người nào cũng rõ.
Ông Trịnh Văn Lợi (SN 1967, thôn Phú Hồ, xã Phú Gia) - người trông coi đền Trầm Lâm cho chúng tôi biết, giếng thiêng có 3 màu đổi theo mùa: mùa Hè nước chuyển màu xanh ngọc, mùa Xuân và mùa Thu nước có màu vàng, đến tháng Chạp nước lại chuyển thành màu trắng đục như nước gạo. Điều đặc biệt, giếng quanh năm giữ nguyên một mực nước, không cạn cũng không dâng dù cho hạn hán hay lũ lụt. Sự kỳ bí của chiếc giếng khiến cho bà con dân làng tin vào những điều linh thiêng tại ngôi đền này.
Bà Phan Thị Hoa (SN 1968, vợ của ông Lợi) cho hay, mỗi khi đau ốm, người dân trong thôn lại đến đền Trầm Lâm thắp hương, xin một bát nước dưới giếng để uống. "Nếu xin quẻ được thì người dân mới dám ra giếng lấy một bát nước uống. Đặc biệt, từ xa xưa đến nay không ai dám dùng nước giếng để rửa tay hay làm bất cứ một việc gì khác. Giếng nước được người dân gìn giữ, tôn thờ với lòng thành kính nhất", bà Hoa nói.
Theo quan sát, giếng rất nhiều loài cá sinh sống, trong đó có cả những loài rùa tự nhiên. Ông Lợi cho hay, vào những ngày lễ người dân thường mang cá đến đây để phóng sinh, còn rùa thì không biết có từ bao giờ, sinh sôi nảy nở thành đàn sinh sống dưới đáy giếng. Hàng ngày, ông đều gọi chúng lên bờ để cho ăn. Mỗi lần như thế, từng đàn cá, rùa dưới đáy giếng lại ngoi lên bờ ăn thỏa thích.
Ông Lợi - người canh giữ đền cho biết, dưới giếng có rất nhiều rùa tự nhiên sinh sống không biết từ bao giờ.
Theo cụ Phan Hùng Vỹ - người hiện giữ chức vụ cố đạo chủ trông coi bảo vật vua Hàm Nghi tại đền Trầm Lâm, trải qua bao trận hạn hán, nhưng giếng nước đền Trầm Lâm không bao giờ cạn. Đã có người thử đo độ sâu của giếng nhưng đều chết bất đắc kỳ tử, hoặc mất tích bí ẩn.
Có một số giả thuyết cho rằng, giếng này có đáy thông với con sông Tiêm ở gần đó. Bằng chứng là có người khắc dấu lên quả bưởi và thả xuống giếng. Ít lâu sau, họ tìm thấy chính quả bưởi này trôi trên dòng sông Tiêm. Tuy nhiên, đến nay chuyện không đáy của giếng nước tại đền Trầm Lâm vẫn mãi chỉ là truyền thuyết.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Hương Khê cho hay, giếng thiêng nằm trong quần thể di tích Quốc gia đền Trầm Lâm. Nhiều nhà tiên tri trên cả nước cũng đã từng đến đây và cho biết, giếng nước nằm trong dòng long mạch của nước Việt Nam. Để giữ gìn, nhiều năm qua, giếng đã được xây thành, cắt cử người trông coi, bảo vệ.
"Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, hàng trăm du khách thập phương đến để dâng hương, chiêm bái ngôi đền cùng giếng thiêng tại đây. Đặc biệt, những bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng luôn được giữ gìn, trông coi cẩn thận", Chủ tịch UBND xã Phú Gia nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!