Không điện, không điện thoại, các chiến sĩ vẫn bền bỉ bám chốt chống dịch giữa rừng

Nguyễn Hùng - Phạm Bằng-Thứ tư, ngày 10/03/2021 12:15 GMT+7

VTV.vn - Không điện, không sóng điện thoại, 100% cán bộ chiến sĩ an tâm bám trụ trên biên giới, mọi khó khăn đều được giải quyết.

Chống dịch COVID-19 giữa bốn bề rừng núi

Không điện, không điện thoại, các chiến sĩ vẫn bền bỉ bám chốt chống dịch giữa rừng - Ảnh 1.

Những hình ảnh phòng chống dịch COVID-19 tại các điểm nóng, như lấy mẫu, đo thân nhiệt, cách ly - có lẽ đã quen thuộc và trở thành phản xạ của người dân khi thực hiện các quy tắc phòng chống dịch.

Với đường biên giới trải dài, nhập cảnh bất trái phép có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, nhiệm vụ ngăn chặn nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch của các chiến sĩ biên phòng thực sự là công việc vô cùng gian khổ.

Chống dịch tại nơi mà bốn bề đều là rừng núi, không điện, không điện thoại, di chuyển chủ yếu là đi bộ, suốt hơn 1 năm qua, các chiến sĩ vẫn thay nhau bám trụ để chống dịch dù nguy cơ là nhỏ nhất.

Vượt khoảng 30km đường tuần tra biên giới quanh co, điểm chốt phòng chống dịch số 5 là chốt cuối thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ở chốt thì mọi điều kiện đều rất hạn chế, điện mặt trời chỉ để thắp sáng bảo vệ ban đêm, nước sinh hoạt thì phải tiết kiệm tối đa.

Không điện, không điện thoại, các chiến sĩ vẫn bền bỉ bám chốt chống dịch giữa rừng - Ảnh 2.

Một chốt phòng chống dịch giữa rừng

Chốt phòng chống dịch này nằm giữa rừng quốc gia, trong bán kính 30km, bốn bề đều là rừng. Suốt hơn 1 năm qua, các chiến sĩ vẫn hàng ngày bám chốt, với nhiệm vụ ngăn chặn xâm nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch.

Đã lên chốt là xác định làm nhiệm vụ lâu dài nên các chiến sĩ ở đây phải tự ổn định cuộc sống thật nhanh. Sau những giờ tuần tra, các chiến sĩ lại thay nhau tăng gia sản xuất.

Tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ chốt, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ hàng ngày của các chiến sĩ tại các điểm chốt như thế. Nhiều người đã bám chốt được tròn 1 năm.

Liên lạc bằng... chân

Chỉ riêng tỉnh Bình Phước hiện đang duy trì 62 chốt cố định và 11 chốt cơ động trên tuyến biên giới dài hơn 260km. Các chốt hoạt động tuần tra 24/24h ở các đường mòn, lối mở... bảo vệ biên giới và phòng chống nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch. Gian khó và thiếu thốn nhất là các chốt ở hai huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập vì hầu hết phải đóng ở trong rừng, địa hình hiểm trở, đi lại rất khó khăn.

Không điện, không điện thoại, các chiến sĩ vẫn bền bỉ bám chốt chống dịch giữa rừng - Ảnh 3.

Tỉnh Bình Phước hiện đang duy trì 62 chốt cố định và 11 chốt cơ động trên tuyến biên giới dài hơn 260km

Nhiều người sẽ thắc mắc giữa rừng núi hiểm trở, người qua lại thì ít, thậm chí cả tháng không gặp người lạ thì có gì đâu mà phải chống dịch. Nhưng với các chiến sĩ biên phòng thì không đơn giản như vậy. Khi dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, công tác ngăn chặn xâm nhập cảnh trái phép và chống dịch trên biên giới thực sự rất căng thẳng và khó khăn. Càng khó hơn khi địa hình và phương tiện chống dịch đều bằng sức người.

Cột điện thoại là nơi để liên lạc báo cáo của các chiến sĩ chốt số 5. Trong 1 lần tình cờ đi qua vị trí này, thấy điện thoại có tin nhắn, từ đó anh em dựng cột và thay phiên nhau để điện thoại ở vị trí này.

Không điện, không điện thoại, các chiến sĩ vẫn bền bỉ bám chốt chống dịch giữa rừng - Ảnh 4.

Cột điện thoại là nơi để liên lạc báo cáo của các chiến sĩ chốt số 5

Phần lớn thời gian công việc của các chiến sĩ là đi bộ, tuần tra dọc tuyến biên giới được phụ trách. Giờ là mùa khô thì đỡ vất vả, còn mùa mưa thì trơn trượt, muỗi vắt, đường tuần tra khó gấp 100 lần. Khi phát hiện sự việc trên đường tuần tra, thì cách duy nhất là chạy về chốt để báo cáo và xử lý. Những chiến sĩ vẫn âm thầm, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác như thế.

Đi bộ cả chục cây số, tuần tra bảo vệ biên giới kết hợp phòng chống dịch là công việc hàng ngày của các chiến sĩ tại điểm chốt. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng đối với các chiến sĩ biên phòng ở đây thì chỉ là công việc hết sức bình thường.

Trồng rau nuôi gà chống dịch

Chăm sóc vườn rau, cho gà ăn là công việc của người giữ chốt

Các chốt phòng chống dịch đã hoạt động được gần 1 năm, trong 1 năm bám chốt, Đồn Biên phòng Phước Thiện đã phát hiện và bắt giữ 13 trường hợp xâm nhập trái phép và tiến hành thực hiện các biện pháp cách ly. 13 trường hợp trong gần 1 năm không phải là nhiều nhưng trong phòng chống dịch, đó là 13 nguy cơ được phát hiện ngăn chặn kịp thời.

Cho dù không có trường hợp nào thì nhiệm vụ của các chiến sĩ bám chốt vẫn không thay đổi. Xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, họ đã khắc phục mọi khó khăn, thậm chí khi tới chốt nhiều người sẽ bất ngờ với cách họ trồng rau nuôi gà, không chỉ cải thiện bữa ăn mà còn dự phòng lương thực trong vòng nửa tháng.

Chăm sóc vườn rau, cho gà ăn từ thức ăn thừa, rồi lo cơm nước là công việc của người giữ chốt khi các thành viên khác đi làm nhiệm vụ.

Có bàn tay chăm sóc, đàn gà ở chốt giờ có tới cả vài chục con, vườn rau lúc nào cũng xanh mướt. Những khó khăn trên chốt giờ đã được các chiến sĩ giải quyết.

Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch còn dài, nhưng với các chiến sĩ chống dịch nơi biên giới, họ luôn chuẩn bị tư thế chủ động trong khó khăn để bám chốt lâu dài.

Trên các tuyến biên giới các chiến sĩ vẫn đang âm thầm thực hiện nhiệm vụ chống dịch như thế. Họ không muốn kể khó, kể khổ vì theo họ, đó là nhiệm vụ. Chống dịch trên biên giới dù có khó khăn đến mấy cũng không thể chủ quan lơ là vì chỉ sơ sẩy một chút thôi, cộng đồng sẽ đối mặt với khó khăn gấp trăm ngàn lần nếu để dịch bệnh xâm nhập.

Chiến sĩ Biên phòng gần 1 năm xa nhà, căng mình chống dịch vùng biên Chiến sĩ Biên phòng gần 1 năm xa nhà, căng mình chống dịch vùng biên

VTV.vn - Với nhiều đường mòn lối mở, biên giới trên sông, 5 đồn biên phòng đã phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động tổ chức nhiều chốt chặn người nhập cảnh trái phép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước