Khai thác khoáng sản "bỏ quên" lợi ích người dân

Anh Tuấn - Nguyễn Phương-Thứ hai, ngày 19/04/2021 12:14 GMT+7

VTV.vn - Khai thác khoáng sản đem về nguồn thu thuế tài nguyên, tăng phí bảo vệ môi trường cho địa phương nhưng việc phân bổ ngân sách đã thực sự đảm bảo quyền lợi cho người dân?

Vốn được thiên nhiên ưu đãi một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, liên tiếp trong nhiều năm qua, tỉnh Hà Nam được coi là một trong những địa phương có ngành công nghiệp khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng phát triển trong cả nước.

Theo quyết định Quy hoạch của UBND tỉnh Hà Nam từ năm 2014 đã xác định khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng không phải là lĩnh vực chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội; không khuyến khích khai thác khoáng sản và chỉ lựa chọn doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, hoạt động khai thác khoáng sản đã mang lại rất nhiều lợi ích, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này trong suốt những năm qua.

Khai thác khoáng sản bỏ quên lợi ích người dân - Ảnh 1.

Địa phương được hưởng lợi từ hoạt động khai thác khoáng sản

Nếu gọi những dãy núi đá vôi hùng vĩ ở tỉnh Hà Nam là lộc trời ban thì có lẽ cũng chẳng sai. Vì ngoài các doanh nghiệp được hưởng, hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần làm giàu cho địa phương trong nhiều năm trở lại đây. Vì để được duy trì hoạt động bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng góp rất nhiều khoản về thuế, phí theo quy định.

Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Nam: "Các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ đóng tiền cấp quyền, thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…"

Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Nam, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 130 doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản đá vôi. Trong đó tập trung ở 2 huyện Thanh Liêm và huyện Kim Bảng. Không chỉ đóng góp về an sinh xã hội, hoạt động khai thác đá còn giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động ở địa phương.

Vì nguồn lợi từ hoạt động khai thác khoáng sản là rất lớn nên việc khai thác diễn ra ngày càng rầm rộ với quy mô lớn. Trên thực tế, số mỏ đang hoạt động hiện tại đã gấp hơn 4 lần so với số mỏ trong quy hoạch mà UBND tỉnh Hà Nam đưa ra từ năm 2014.

Theo Điều 5, Luật Khoáng sản đã quy định rõ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Cụ thể, địa phương có trách nhiệm phân bổ điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương nơi có hoạt động khai thác.

Ngoài ra, quy định về việc quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường cũng chỉ rõ: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải để lại cho địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản nhằm phòng ngừa, xử lý những hoạt động ô nhiễm và cải tạo cảnh quan….

Rất nhiều quy định của nhà nước để đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng cho người dân và địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra? Vậy nhưng, thực tế có đúng như vậy hay không thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Khi quyền lợi của người dân bị bỏ quên

Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, có 25 doanh nghiệp khai thác đá vôi đang hoạt động. Dù hàng năm, các doanh nghiệp này đều nộp phí bảo vệ môi trường cho ngân sách địa phương nhưng theo lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, phía xã không được hưởng một đồng nào.

Khai thác khoáng sản bỏ quên lợi ích người dân - Ảnh 2.

Xã không nhận được một đồng tiền phí bảo vệ môi trường nào. Còn thứ mà người dân được hưởng lại là:

"Chỉ thấy bụi bặm cho bà con thôi. Chưa từng thấy ở đâu khổ như ở cái làng này" - chị Định Thị Luận, xã Thanh Sơn chia sẻ.

Chị Đinh Thị Xoan, ở xã Thanh Sơn cũng cho biết: "Nếu được hưởng là chúng tôi biết. Đây chúng tôi không được hưởng một cái gì".

Trong khi chưa rõ số tiền thu phí bảo vệ môi trường được sử dụng vào mục đích gì thì hàng ngày, người dân vẫn phải thay nhau còng lưng ra quét dọn bụi trên đường. Dù được trả công hàng tháng nhưng nguồn tiền lại đến từ sự đóng góp riêng của các doanh nghiệp. Dù không muốn nhưng người dân buộc phải thay nhau quét đường vì nếu không làm thì chính họ lại là người hứng chịu bụi bẩn.

"10 triệu chia 4 người. Quét suốt ngày thế này cẳng sạch được đâu, xe cứ đi suốt ngày thế này" - một người dân cho biết.

Khai thác khoáng sản bỏ quên lợi ích người dân - Ảnh 3.

Còn tại địa bàn huyện Thanh Liêm, nơi tập trung hơn 70 doanh nghiệp khai thác đá, liên tiếp trong 4 năm qua, Phòng Tài nguyên môi trường huyện đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Hợp Tiến để phun nước dập bụi mặt đường với tần suất 4 lượt/ngày. Trong đó, chỉ riêng năm 2020, giá trị hợp đồng là 14,2 tỷ đồng.

"Thực chất biện pháp tưới nước chỉ là dập bụi mang tính chất tạm thời, không thể triệt để được. Nếu mùa nắng và hanh khô chỉ sau 1 tiếng bụi đất lại cuốn lên" - Ông Trần Tự Lực, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm cho biết.

Chính vị lãnh đạo huyện Thanh Liêm cũng thừa nhận, đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc phun nước dập bụi chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vậy nên, kể từ đầu năm 2021, dự án đã dừng triển khai, chờ đề án khắc phục ô nhiễm môi trường mới được phê duyệt…

Có thể thấy, hệ thống pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản của Việt Nam tương đối đầy đủ. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế. Nếu không minh bạch trong hoạt động khai khoáng, không chỉ thất thoát tài nguyên và kinh tế mà còn gây ra những hậu quả xấu cho môi trường và xã hội. Vấn đề đặt ra là làm sao để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương và người dân thì mới là điều cần thiết nhất trong lúc này.

Một thực tế giống như là một nghịch lý đang tồn tại là nguồn thu của các doanh nghiệp và địa phương từ hoạt động khai thác khoáng sản càng tăng thêm bao nhiêu thì mức độ ô nhiễm môi trường người dân phải hứng chịu lại tăng thêm bấy nhiêu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước