Trong phiên họp 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, những vấn đề tiêu cực trong đấu giá là một trong ba nhóm vấn đề chính thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp được các đại biểu chất vấn.
Trước câu hỏi của ông Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc), tình trạng đấu giá cho thấy phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, hơn 90% là đấu giá tài sản công trong hoạt động đấu giá. Phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. "Cái giá khởi điểm không phải là công việc của luật đấu giá vì Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, cho nên giá khởi điểm phải được xử lý trong Luật Đất đai. Cho đến bây giờ ta vẫn đi theo phương án là khung giá, bảng giá, UBND các tỉnh xây dựng giá khởi điểm. Câu chuyện này chúng tôi sẽ tiếp tục với Bộ TNMT xử lý trong Luật Đất đai sắp tới".
Trong khi đó, bà Ma Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) đặt vấn đề, trong năm qua đã xử lý bao nhiêu vụ việc đấu giá viên sai phạm, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới? Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong 5 năm, 2018 -2022, Bộ đã triển khai 143 cuộc thanh tra, phạt vi phạm 2 tỷ đồng. 1 số trường hợp đã chuyển cơ quan điều tra. "Bây giờ trong pháp luật về đấu giá, chúng tôi quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Tăng cường sự chuyên nghiệp của đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của BCĐ Trung ương Phòng chống tham nhũng".
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Đây chỉ là 2 trong nhiều vấn đề liên quan tới đấu giá mà công luận khá quan tâm. Giá trị của đấu giá là tạo ra cơ hội để tài sản có thể thu lợi được nhiều nhất nhưng phải minh bạch. Thế nhưng như ý kiến của đại biểu đề cập thì việc sai phạm của đấu giá viên là một vấn đề tồn tại.
Cả nước có hơn 1.200 đấu giá viên, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 57 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là quyền sử dụng đất.
Về lô đất vàng Thủ Thiêm, lúc đầu là 2 doanh nghiệp, và một thời gian ngắn sau 2 doanh nghiệp trúng giá còn lại cũng bỏ cọc. Ngay trong tháng 7 vừa qua, 4 lô đất "vàng" từng bị bỏ cọc này đã được TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch đấu giá cùng hàng chục lô đất và 3.790 căn hộ tại Thủ Thiêm.
Nhiều lô đất 'vàng' ở Thủ Thiêm từng bị bỏ cọc đấu giá. Ảnh minh hoạ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có ý kiến nhiều nội dung sửa đổi đề xuất trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản nằm ngoài 3 chính sách đã định. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần thuyết minh rõ về các nội dung này, làm rõ các nội dung sửa đổi là để thực hiện chính sách nào, đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ. Bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.
Trong dự thảo luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.
Luật sư Đỗ Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Đấu giá viên Hà Nội là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!