Từ 6/9: Hà Nội phân theo 3 vùng chống dịch, Vùng 1 "được phép mới ra đường"

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 06/09/2021 06:01 GMT+7

VTV.vn - Từ 6h ngày 6/9/2021, Hà Nội chính thức triển khai phòng chống dịch tại 3 vùng, theo đó giãn cách xã hội với các biện pháp mạnh hơn tại Vùng 1 (Vùng nội đô).

3 vùng chống dịch của Hà Nội được phân chia như thế nào?

Sau 3 đợt giãn cách xã hội, để không phải kéo dài thời gian, TP Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất để tăng cường công tác phòng chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.

Thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Từ 6h00 ngày 06/9/2021 đến 6h00 ngày 21/9/2021, Thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng cụ thể như sau:

Từ 6/9: Hà Nội phân theo 3 vùng chống dịch, Vùng 1 được phép mới ra đường - Ảnh 1.

Vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.

- Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

- Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong Tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính "độc lập" cao.

- Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 05 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

- Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo Phương án đã được phê duyệt.

Vùng 3 (phía Tây, phía Nam Thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

- Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.

- Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.

Theo Chỉ thị số 20, việc phân vùng là để phòng, chống dịch, không phải là phân vùng để quản lý hành chính.

Từ 6/9: Hà Nội phân theo 3 vùng chống dịch, Vùng 1 được phép mới ra đường - Ảnh 2.

Infographic: Hà Nội mới

Người dân Vùng 1 (Vùng nội đô) được ra đường trong trường hợp nào?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (Vùng nội đô). Tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra - vào Thành phố, các chốt ra - vào tại Vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện "được phép mới ra đường", "ai ở đâu, ở đó", "người ở vùng nào thì ở vùng đó". Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo đó, các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…

Ngày 5/9, Công an thành phố Hà Nội cũng đã có thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong Vùng 1.

6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường sau ngày 6/9 gồm:

Nhóm 1: Các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, quốc tế.

Nhóm 2: Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu.

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch.

Nhóm 4: Các cơ quan báo chí, truyền thông.

Nhóm 5: Đối với các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường.

Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.

Trong số này, đối với đối tượng thuộc nhóm 1, 3, 4, thẩm quyền cấp Giấy đi đường là do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng nhóm 2, 6 phải thực hiện quy trình 4 bước gồm: Cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý - Gửi danh sách đề nghị cấp - Duyệt Giấy đi đường - Cấp Giấy đi đường. Trong đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cấp giấy đi đường cho nhóm 2 và Công an xã, phường cấp giấy đi đường cho nhóm 6.

Từ 6/9: Hà Nội phân theo 3 vùng chống dịch, Vùng 1 được phép mới ra đường - Ảnh 4.

Quy trình 4 bước cấp giấy đi đường cho nhóm 2 và nhóm 6

Đối với nhóm 5, người đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu được cấp Thẻ mua hàng. Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm CCCD (CMTND). Cá nhân đi sân bay, cơ quan ngoại giao, Tòa án mang theo Giấy tờ chứng minh kèm CCCD (CMTND) và Giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ.

Công an Thành phố Hà Nội đề nghị cá nhân sau khi được cấp Giấy đi đường/Thẻ đi mua hàng thiết yếu chủ động khai báo y tế qua website: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi ra đường, tham gia giao thông.

- Mọi thắc mắc liên quan đề nghị liên hệ đường dây nóng của Công an Thành phố: 069.2194.299; 069.219.4295069.219.4296.

Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của Thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Hà Nội: Thông báo mới về thủ tục cấp Giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng trong Vùng 1 Hà Nội: Thông báo mới về thủ tục cấp Giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng trong Vùng 1

VTV.vn - Công an thành phố Hà Nội đã có thông báo mới về việc tổ chức triển khai Quy trình xét duyệt, cấp Giấy đi đường, Thẻ đi mua hàng cho 6 nhóm đối tượng trong Vùng 1.


Liệu có thể di chuyển giữa 3 vùng của Hà Nội?

Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Chỉ thị 20/CT-UBND, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập 30 chốt cứng tại điểm cầu trên các trục đường dẫn vào nội đô ở các điểm giữa Vùng 1, Vùng 2 và Vùng 3 và khuyến cáo người dân không di chuyển qua các điểm này.

Từ 6/9: Hà Nội phân theo 3 vùng chống dịch, Vùng 1 được phép mới ra đường - Ảnh 6.

Bản đồ vị trí các điểm bố trí chốt kiểm soát dịch COVID-19

Cụ thể là các cầu: Liên Mạc 2, Phố Viên, Noi, Khu công nghiệp an ninh Bộ Công an, Đông La, Bích Hòa 2, Trạm bơm Khe Tang, Mỹ Hưng, Đen, Dương Hiền, Hoàng Xá 2, Khánh Vân, làng Phúc Am, Duyên Thái và 2 vị trí trên Đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Đại học Vân Canh; cầu Đại học Vân Canh, cầu cạnh cầu sông Đáy, cầu cạnh hồ câu sông Đáy, cầu Lại Dụ, cầu Mai Lĩnh cũ, cầu Đồng Hoàng, cầu xóm sông Cầu (cầu sắt), cầu Hoàng Xá 1, cầu Đỗ Hà, cầu Văn Xá, cầu cạnh Cocacola, lối lên cao tốc từ đường kênh Hồng Vân, cầu kẹ qua kênh Hồng Vân, đê Hồng Vân.

Hình ảnh một số chốt cứng hạn chế đi lại giữa các vùng (Ảnh: TTXVN)

Ngày 4/9, Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo về phương án tổ chức giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua các vùng phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 trên địa bàn thành phố.

Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng "được phép mới ra đường") đi từ Vùng 1 ra vào Vùng 2 và ngược lại thông qua 6 chốt: cầu Thăng Long; cầu Nhật Tân; cầu Long Biên; cầu Chương Dương; cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì.

Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng "được phép mới ra đường") đi từ Vùng 1 ra vào Vùng 3 và ngược lại thông qua các chốt: cống Liên Mạc, cầu Diễn, cầu Xuân Phương, cầu Ngà, cầu sông Đáy, cầu An Lạc, cầu 7211, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, cầu Mai Lĩnh, ngã ba đê Tả Đáy, cầu Thạch Bích, cầu Khe Tang, cầu Qua, cầu Quán Gánh, ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.

Người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông từ Vùng 1 sang Vùng 3 và ngược lại không được phép lưu thông qua 27 vị trí chốt cứng.

Thời gian phân luồng từ 6h00 ngày 6/9/2021 đến 6h00 ngày 21/9/2021.

Tại 23 chốt kiểm soát, Hà Nội bố trí hệ thống biển báo giao thông, bao gồm biển chốt kiểm dịch, biển luồng xanh, biển hạn chế tốc độ, biển báo hướng dẫn giao thông từ xa... Đặc biệt, để bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí chốt trên tuyến đường có tốc độ phương tiện lưu thông cao, Sở bổ sung các hệ thống thiết bị bảo đảm an toàn giao thông, như gờ giảm tốc, chóp nón… và các thiết bị an toàn giao thông khác.

Tại 27 chốt cứng, bố trí hệ thống biển báo giao thông gồm biển báo đường cấm, biển hạn chế tốc độ, biển báo hướng dẫn giao thông từ xa (tổng cộng 108 bộ biển báo).

Dịch vụ "shipper" ở Hà Nội hoạt động trong thời gian nào?

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển của người dân, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, TP Hà Nội cho phép hoạt động vận chuyển giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính bằng xe mô tô, xe 2 bánh (shipper) từ 9h đến 20h hàng ngày.

UBND TP Hà Nội giao các sở liên quan yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch đối với shipper.

Shipper khi tham gia hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 còn thời hạn theo quy định của ngành y tế.

Từ 6/9: Hà Nội phân theo 3 vùng chống dịch, Vùng 1 được phép mới ra đường - Ảnh 8.

Xét nghiệm cho người giao hàng bằng xe máy (shipper). (Ảnh minh họa: VGP)

Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề nghị Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và các đơn vị bưu chính viễn thông trên địa bàn đăng ký cho nhân viên được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu phẩm, bưu chính bằng xe mô tô 2 bánh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Sở Công Thương Hà Nội tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn thành phố có nhu cầu hoạt động.

Các đơn vị bưu chính tổng hợp danh sách nhân viên giao nhận bưu kiện (bưu tá) thuộc quyền quản lý có nhu cầu hoạt động trên địa bàn bao gồm: Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại di động, biển số xe, địa bàn hoạt động.

CHÍNH THỨC: Hà Nội chia 3 vùng chống dịch từ 6/9, “người ở vùng nào thì ở vùng đó” CHÍNH THỨC: Hà Nội chia 3 vùng chống dịch từ 6/9, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”

VTV.vn - Theo Chỉ thị 20 của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 3/9, Hà Nội sẽ phòng, chống dịch COVID-19 theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân, hạn chế nguy cơ lây giữa các vùng.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước