Trước khi tiêm vaccine COVID-19, một trong những yêu cầu bắt buộc với tất cả mọi người là kiểm tra huyết áp và nhiệt độ. Tuy nhiên, huyết áp của một số người đi tiêm hoặc người bệnh đột ngột tăng cao ở mức 140/90 mmHg hoặc cao hơn nữa khi gặp bác sĩ, những người mặc áo blouse trắng, nhưng khi về nhà thì huyết áp của họ lại trở lại bình thường. Hiện tượng này được gọi là "tăng huyết áp áo choàng trắng" .
Như vậy, với những người bị hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng, huyết áp của họ rất dễ bị tác động bởi sự căng thẳng. Ngược lại, căng thẳng kéo dài lại tác động lên huyết áp và gây ra tình trạng tăng huyết áp thực. Vậy, hiện tượng tăng huyết áp áo choàng trắng có nguy hiểm không?
Đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh tác động của tăng huyết áp áo choàng trắng lên sức khỏe người bệnh. Hội chứng này thực ra khá phổ biến với khoảng 20% số trường hợp và thường sẽ dần dần biến mất theo thời gian. Một số bệnh nhân chỉ cần đến lần khám thứ 3 là đã có thể tự tin, trong khi số khác phải mất nhiều thời gian hơn. Trên thực tế, bác sĩ có thể góp phần giúp cải thiện hội chứng này bằng cách gây dựng lòng tin, sự sẻ chia với bệnh nhân, tạo ra môi trường giao tiếp thoải mái, vui vẻ. Nhờ vậy, người bệnh sẽ không còn cảm thấy lo âu, bồn chồn và tăng huyết áp áo choàng trắng cũng biến mất.
Liệu tăng huyết áp áo choàng trắng có phải điều trị không là điều thắc mắc của nhiều người. Hiện nay, với bệnh tăng huyết áp áo choàng trắng, các bác sĩ sẽ chưa sử dụng thuốc để điều trị, mà chỉ theo dõi thêm. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo về tiền thân của bệnh lý huyết áp. Vậy, cần làm gì để hạn chế và đối phó với hiện tượng này?
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, người bệnh cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện để tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Làm chủ tâm lý để không bị sợ hãi khi gặp bác sĩ là điều quan trọng đối với những người mắc hội chứng này.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích, giảm muối trong chế độ ăn.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, điều độ để tăng cường sức khỏe tim mạch….
- Áp dụng phương pháp thư giãn như yoga để kiểm soát tâm lý, nhịp thở giúp bạn giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống công việc.
- Đi khám cùng người thân hay bạn bè, để tạo cảm giác đồng hành, tránh sợ hãi khi đi một mình gặp bác sĩ.
- Kiểm soát cân nặng, lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể. Để hạn chế béo phì, tiểu đường. Giảm cân sẽ giúp huyết áp của bạn ổn định hơn, cơ thể sẽ thoải mái hơn vì không quá trọng tải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!