Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây có liên quan đến học sinh trong độ tuổi 16-18 (độ tuổi THPT); 52% học sinh hiện đang đến trường bằng xe đạp điện hoặc xe máy nhưng không có giấy phép lái xe. Trước thực tế đó, Dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi đã đưa ra quy định bắt buộc người trên 16 tuổi phải có giấy phép lái xe A0 khi tham gia giao thông, và quy định này đang nhận được sự quan tâm và đồng tình của đại đa số người dân.
Tại cổng trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh giờ tan tầm, bên cạnh hình ảnh phụ huynh đứng đợi con là việc nhiều bạn học sinh vô tư sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe 110m3. Không xi nhan, không mũ bảo hiểm, giao thông lại càng thêm hỗn loạn.
Nhiều học sinh đi xe đạp điện như "làm xiếc" khi tham gia giao thông. (Ảnh: Dân trí)
Việc học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện vốn không còn xa lạ ở TP.HCM. Thậm chí học sinh còn sử dụng xe máy trên 50m3. Chính những điều này đã tạo nên những lỗ hổng trong việc quản lý việc học sinh tham gia giao thông đường bộ. Sắp tới đây, khi dự thảo luật giao thông đường bộ sửa đổi được thông qua, rất có thể các em học sinh sẽ phải học thêm bằng lái xe A0 khi tham gia giao thông.
Khảo sát nhanh cho thấy, đa số người dân đều ủng hộ việc người trên 16 tuổi phải học giấy phép lái xe A0. Bởi đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc thay đổi ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh THPT.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lợi ích của việc học và thi giấy phép lái xe A0 là được bồi dưỡng kiến thức về luật giao thông đường bộ và kỹ năng điều khiển xe, tạo môi trường giao thông an toàn, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn và giảm chi phí xã hội. Cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng lộ trình cụ thể và khuyến khích xã hội hóa để phục vụ nhu cầu thi giấy phép lái xe A0.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!