Hiến tạng - nghĩa cử nhân văn còn nhiều rào cản, định kiến

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/03/2021 19:18 GMT+7

VTV.vn - Cộng đồng đang ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa nhân văn của hoạt động hiến tạng nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn, rào cản.

Những năm gần đây, việc hiến, ghép tạng tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều kỹ thuật khó đã được thực hiện. Cộng đồng cũng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa nhân văn của hoạt động này. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Mới đây, xuất hiện một câu chuyện đang gây tranh cãi trên cộng đồng mạng - đó là một trường hợp bên cho tạng muốn được gặp người nhận. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của một số người nhưng cũng không ít băn khoăn lo ngại về việc cần giữ kín thông tin của cả người cho và người nhận.

Trong số rất nhiều bình luận thấu hiểu tình cảm của người mẹ và bày tỏ quan điểm đồng tình cần để "bên cho" biết thông tin "người nhận", vẫn có những ý kiến khác.

Hiến tạng - nghĩa cử nhân văn còn nhiều rào cản, định kiến - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện một ca ghép tạng

Theo Nghị định 176 ngày 14/11/2013 của Chính phủ, hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép mô, bộ phận cơ thể người (trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên rõ ràng hoặc pháp luật có quy định khác) là trái quy định. Một số quốc gia trên thế giới như Pháp, đưa ra nguyên tắc vô danh - tức là người hiến không được biết danh tính của người nhận và ngược lại. Nguyên tắc này là một sự dự phòng rất hợp lý của pháp luật. 

Thông thường việc biết thông tin về người được ghép bộ phận cơ thể của người thân mình, gặp lại họ để xoa dịu nỗi đau về tinh thần, còn người được ghép có thể bày tỏ lòng biết ơn với người hiến và gia đình họ. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, cũng phải quan tâm đến mặt tiêu cực.

Hiến tạng - một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, đáng trân trọng và thực sự dũng cảm. Bởi quyết định đó phải đưa ra vào lúc đau buồn nhất, rối bời nhất. Chưa nói đến một nỗi đau khác cứa thêm vào vết thương của họ. Đó là định kiến, là ánh mắt, lời bàn ra tán vào nghi ngờ họ bán tạng người thân.

"Cho đi là còn mãi" cũng chính là thông điệp xuyên suốt của hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Việt Nam. Thực tế hơn 13 năm triển khai Luật, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Vướng mắc trước tiên liên quan đến thủ tục đồng ý của người thân. Hiện cả nước đã có gần 40.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời nhưng thực tế ngay cả khi có thẻ, các đơn vị y tế vẫn phải được sự đồng ý của người thân những người tự nguyện hiến tạng.

Thêm nữa, có rất nhiều trường hợp chết não ở các bệnh viện chưa triển khai ghép tạng mà chưa có sự kết nối với các đơn vị thực hiện để tư vấn truyền thông cũng như thuyết phục người thân của các trường hợp đó.

Chi phí cho một ca ghép tạng tại Việt Nam là khá thấp so với nhiều nước trên thế giới, song đối với người Việt Nam là khoản tiền không nhỏ. Một ca phẫu thuật ghép tim khoảng 1 tỷ đồng, ghép gan là 1,5 tỷ, ghép thận khoảng vài trăm triệu đồng. Người bệnh sau khi ghép nội tạng phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Quỹ Bảo hiểm chỉ chi trả được một phần rất nhỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước