Hàng nghìn căn nhà ở Nam Bộ hư hại do dông lốc

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/09/2022 21:43 GMT+7

VTV.vn - Dự báo mùa mưa ở Nam Bộ sẽ còn kéo dài đến cuối năm nay. Người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa vững chắc hơn để giảm thiểu thiệt hại do dông lốc.

Tuần vừa qua là một tuần mưa nhiều trên cả nước. Nửa đầu tuần mưa to ở Nam Bộ gây ngập TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Còn nửa cuối tuần Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ mưa lớn cũng khiến ngập lụt ở nhiều nơi.

Phía Bắc đang vào giai đoạn chuyển mùa, thường xuất hiện những xáo trộn trong khí quyển gây ra mưa dông. Như đợt mưa 3 ngày qua là do những nhiễu động gió đông tạo mây ẩm từ biển di chuyển vào gây mưa lớn, lũ lụt. Còn ở Nam Bộ vẫn đang trong giai đoạn chính của mùa mưa.

Mùa mưa năm nay ở Nam Bộ được nhận định là vẫn đúng theo quy luật hàng năm. Mưa thường diễn ra về chiều tối. Có những ngày mưa dồn dập trong thời gian ngắn. Nhưng bên cạnh đó thường kèm theo những trận dông lốc, gió giật, kể cả là mưa không quá lớn. Những trận dông lốc đã gây ra nhiều thiệt hại về nhà cửa cho khu vực Nam Bộ thời gian qua.

Những thiệt hại do dông lốc ở Nam Bộ

Mới đây nhất, chiều 30/8, dông lốc xảy ra trên địa bàn huyện Chợ Mới và TP Long Xuyên tỉnh An Giang đã làm 32 căn nhà bị ảnh hưởng, phần lớn là tốc mái. Trong đó 1 căn sập hoàn toàn.

Từ ngày 8/8-10/8, dông lốc làm sập 1 căn nhà và tốc mái 14 căn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Cơn dông ngày 9/8 đã làm sập 80 gian trưng bày tại hội chợ triển lãm ở TP Phú Quốc - Kiên Giang làm nhiều người bị thương.

Hàng nghìn căn nhà ở Nam Bộ hư hại do dông lốc - Ảnh 1.

Một căn nhà người dân ở huyện Chợ Mới bị tốc mái. Ảnh: TTXVN

Tháng 7 cũng liên tiếp xảy ra các trận dông lốc gây thiệt hại về nhà cửa.

Tại tỉnh Bạc Liêu, từ chiều 10/7 đến ngày 11/7, mưa kèm theo dông lốc làm sập, tốc mái 25 căn nhà của người dân.

Tại Cần Thơ, từ ngày 9/7-12/7, dông lốc đã làm sập 5 căn nhà; làm sập một phần, tốc mái, xiêu vẹo 14 căn khác.

Tại tỉnh Hậu Giang, chỉ trong 8 ngày, từ ngày 10/7 đến 18/7 dông lốc đã làm sập 5 căn nhà, tốc mái 19 căn khác.

Đáng chú ý nhất trong tháng 7, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có 177 căn nhà bị sập, 1.270 căn tốc mái do dông lốc.

Đó mới là thống kê trong 2 tháng vừa qua. Còn tính từ đầu năm đến nay, con số còn lớn hơn nhiều. Toàn Nam Bộ đã xảy ra hơn 100 trận mưa đá, dông lốc, sét, làm 13 người thiệt mạng, 11 người bị thương. Hơn 2.600 ngôi nhà đổ sập, hư hỏng tốc mái.

Hàng nghìn căn nhà ở Nam Bộ hư hại do dông lốc - Ảnh 2.

Dông lốc làm tốc mái một căn nhà người dân. Ảnh: TTXVN phát.

Nhiều ngôi nhà không an toàn trong dông lốc

Gần như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa ở Nam Bộ thì luôn là thiệt hại về nhà cửa, bởi ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều những ngôi nhà không an toàn trong dông lốc.

Không một cây cột hay tấm tôn nào trụ vững. Ngôi nhà của ông Ba đã bị sập hoàn toàn sau cơn dông. Để có chỗ sinh sống, gia đình phải che tạm túp lều.

Do tác động của biến đổi khí hậu nên ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện rất nhiều những cơn dông lốc mạnh và bất ngờ. Dù vậy, ở vùng nông thôn, rất dễ tìm thấy những căn nhà tạm bợ.

Tại vùng cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, đa phần nhà ở đây là cây gỗ tạm. Mái tôn không được chằng néo mặc cho dông gió xảy ra thường xuyên. Bà con chỉ chằng néo nhà cửa khi được chính quyền thông báo có bão lớn.

Thái độ chủ quan đã khiến nhiều người phải trả giá. 9 tháng trong năm 2022, hàng ngàn căn nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị sập vì dông, lốc. Riêng tỉnh Cà Mau đã có hơn 1.000 căn.

Không tốn quá nhiều chi phí nhưng 2 sợi dây đã giúp căn nhà của anh Luân trụ vững qua nhiều mùa mưa bão. Nếu ai cũng có ý thức phòng chằng néo lại nhà cửa ngay từ đầu, thiệt hại sẽ giảm bớt phần nào khi dông bão thổi qua.

Chủ động gia cố nhà cửa trước dông lốc

Dự báo mùa mưa ở Nam Bộ sẽ còn kéo dài đến hết tháng 12/2022. Như vậy, về thời gian mùa mưa sẽ khá phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong 3 tháng cuối năm từ tháng 10 đến tháng 12, lượng mưa dự báo sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15%-40%.

Đặc biệt, lượng mưa tháng 11 còn cao hơn 30%-50%, nguy cơ xảy ra các đợt mưa lớn dồn dập. Vì thế, các hiện tượng dông lốc, gió giật mạnh và ngập úng tiếp tục được cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra từ giờ đến cuối năm ở khắp các tỉnh thành Nam Bộ.

Chính vì vậy, việc chủ động gia cố nhà cửa sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để giữ an toàn cho chính người dân trong những trận dông lốc khi ở khu vực Nam Bộ có rất nhiều những căn nhà cấp 4 không kiên cố. Chỉ cần gió lốc khoảng cấp 6, cấp 7 trở lên là có thể thổi tung mái nhà, làm đổ sập nhà.

Sau đây là một vài cách để người dân có thể áp dụng gia cố, chằng chống nhà cửa vững chắc hơn trước những trận dông mạnh.

Với nhà cấp 4, nếu lợp bằng tôn, fibro xi măng hay mái ngói, người dân có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có dông gió, lốc xoáy.

Cụ thể:

- Nếu sử dụng bao cát, nên đóng các bao cát lỏng, mỗi bao có trọng lượng khoảng 15-20kg để đặt đều lên mái. Tùy theo độ dốc của mái tôn và độ rộng của mái nhà mà bố trí số lượng bao cát cho hợp lý, thường cách nhau hơn 1m. Nếu độ dốc mái nhà >30 độ, nên nối các bao cát lại với nhau bằng dây, tập trung đặt tại các góc mái nhà hoặc mép các tấm lợp tôn.

- Nếu dùng các loại thanh nẹp, chúng cần được đặt lên mái sao cho khoảng cách giữa mỗi thanh là từ 1,5-2m. Đồng thời, thanh nẹp cũng phải có độ dài vừa vặn với mái nhà. Sau đó, đục lỗ tại các đỉnh mút của mái tôn và dùng thép để buộc chặt thanh nẹp vào xà gồ, đòn tay để cố định mái. Chú ý, sau khi nẹp được mái phải dùng vữa, xi măng hoặc keo dán bít lại chỗ đục lỗ nhằm tránh bị dột.

- Có thể dùng thanh chặn bằng gỗ đặt ngang lên mái. Sau đó, đặt tiếp các thanh giằng chữ A, sao cho đỉnh chữ A nằm tại nơi tiếp giáp giữa 2 mái nhà. Tiếp đến, cột chặt thanh chặn và thanh giằng bằng dây thép hoặc các dây khác trước khi dùng dây cố định các chữ A vào cọc đóng sâu xuống đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước