Thiết bị hiện đại, có sân đậu trực thăng cho các trường hợp khẩn cấp, đưa công nghệ vào khám chữa bệnh. Những hình ảnh ghép giường, chen lấn nhếch nhác tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh sẽ sớm là quá khứ khi một số bệnh viện mới đang dần hoàn thiện.
Hàng loạt bệnh viện mới được xây dựng để giảm tải
Quá tải luôn là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đến bệnh viện. Đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh khi mỗi năm có 50 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú và hơn 2 triệu lượt nội trú.
Những năm qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm tải. Trong đó hàng loạt công trình, bệnh viện được xây dựng mới.
Ở Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi hiện tại, áp lực quá tải khiến bệnh viện phải kê thêm giường dọc lối hành lang. Cơ sở vật chất sau nhiều năm tại bệnh viện đã xuống cấp. Do đó, bệnh viện mới sẽ được xây dựng từ nay đến 2023 đưa vào sử dụng với quy mô 1.000 giường, hình thành các khoa chuyên sâu. Với diện tích bệnh viện mới, việc chăm sóc người bệnh và điều trị sẽ thuận tiện hơn.
Còn Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh từng là nơi ám ảnh của bệnh nhân về sự quá tải bậc nhất của thành phố. Mới đây, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã chính thức đi vào hoạt động trang bị các thiết bị hiện đại và có sân đậu trực thăng cho các trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Với quy mô 1.000 giường, bệnh viện kỳ vọng sẽ không còn cảnh giường ghép đối với bệnh nhân ung thư vốn đã nhiều vất vả.
Sự khác biệt cơ sở y tế đã được nhìn thấy rõ khi các cơ sở y tế công lập được xây dựng mới khang trang thay thế cơ sở cũ kỹ, quá tải gây ám ảnh cho người bệnh.
TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế của Đông Nam Á sau 4 năm nữa. Nhưng trước khi trở thành trung tâm dịch vụ, y tế TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực giải quyết bài toán quá tải để không còn cảnh nhếch nhác quá tải ghép giường.
Phát triển bệnh viện tại các cửa ngõ
Đến năm 2023, một số bệnh viện mới sẽ được xây dựng xong như Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Thủ Đức. Ngoài ra, cụm y tế tại Tân Kiên, Bình Chánh với 4 bệnh viện và 1 trường cũng đang được xây dựng.
Các dự án này đều nằm ở cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là chiến lược của ngành y tế để phục vụ người dân trong khu vực và đặc biệt là đón đầu bệnh nhân từ các tỉnh đến để giảm tải các bệnh viện trong trung tâm thành phố.
Số hóa phim X-quang giảm thời gian chờ cho người bệnh
Bên cạnh xây dựng loạt bệnh viện mới để giảm tải về số lượng, ứng dụng công nghệ để đơn giản thủ tục cũng đang được nhiều bệnh viện áp dụng. Nổi bật là thực hiện việc chuyển đổi sang bệnh viện không giấy tờ trong khám chữa bệnh.
Đọc kết quả hình ảnh tại phòng đọc phim.
Trước kia, thường khi đến khám chữa bệnh, người bệnh phải cầm rất nhiều phim ảnh chụp. Điều này mất rất nhiều thời gian. Giờ đây, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, người bệnh không còn cần phải cầm giấy tờ phim ảnh. Bởi sau khi được chụp chiếu, hình ảnh được bác sĩ xem kết quả tại phòng đọc phim.
Khi có kết quả, tin nhắn báo sẽ được gửi đến người bệnh. Họ chỉ cần truy cập vào đường link được gửi tới, hình ảnh kết quả chụp X-quang, CT được hiển thị rõ nét.
Hình ảnh này cũng được gửi đến phòng khám, mà không cần người bệnh đi lấy kết quả. Người bệnh đánh giá điều này sẽ giúp họ tiết kiệm nhiều thời gian.
Nhiều năm chuẩn bị và chính thức áp dụng 2 tháng nay, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, thời gian cho cả bệnh nhân và nhân viên khoa cải thiện 30%, góp phần giảm tải, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Hiện tại, TPHCM có 8 bệnh viện đang thí điểm hình thức này. Theo các chuyên gia, thách thức hiện nay là làm sao các bệnh viện có sự đồng bộ trong việc áp dụng.
Với các bệnh nhân lớn tuổi, mô hình này còn hỗ trợ in giấy nhỏ để người thân, y bác sĩ có thể truy cập hộ cho bệnh nhân. Việc áp dụng số hóa chẩn đoán hình ảnh còn giúp việc chẩn đoán từ xa hoặc hội chẩn quốc tế góp phần nâng cao chẩn đoán bệnh cho người dân.
Nhiều bệnh viện ứng dụng công nghệ để giảm thời gian chờ đợi. Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 23 bệnh viện ứng dụng triển khai hệ thống lưu trữ hình ảnh thay cho in phim. 10 bệnh viện và 1 phòng khám ứng dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Ứng dụng công nghệ đơn giản hóa thủ tục đang được áp dụng mạnh mẽ để tăng hiệu suất làm việc đồng thời giảm thời gian chờ cho người bệnh khá nhiều
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở
Xây dựng bệnh viện mới, ứng dụng công nghệ để giảm chờ đợi. Tuy nhiên, nếu không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, người bệnh ồ ạt lên tuyến trên thì việc giải quyết quá tải vẫn chỉ ở phần ngọn.
Khám bệnh từ xa giúp tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
Thời gian qua, việc chăm lo nâng cao y tế tuyến cơ sở, các trạm y tế, nơi gần người dân nhất và đến khám bệnh đầu tiên đã được đẩy mạnh với nhiều mô hình khác nhau như đến tận nhà bệnh nhân lớn tuổi để khám hay khám bệnh từ xa. Việc này giúp tiết kiệm được thời gian và công sức cho cả bác sĩ và người bệnh.
Sau khi được thí điểm tại quận Gò Vấp, nhiều quận huyện tại TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng mô hình này. Đa số ưu tiên khám bệnh cho người lớn tuổi, trẻ em và những bệnh nhân thuộc diện đi lại khó khăn.
Bộ Y tế đã phê duyệt và triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu người dân có thể thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tại nhà, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở để với những bệnh thông thường người dân có thể được chăm sóc kỹ tại trạm y tế mà không cần phải vượt tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!