Theo đó, khi số lượng ca dương tính và F1 tăng cao, phải phong tỏa toàn bộ địa phương hoặc một số khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện xây dựng trước các kịch bản đối phó với diễn biến xấu hơn; chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, các cơ sở cách ly tập trung…với phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.
Mỗi xã, phường, thị trấn cần chuẩn bị ít nhất một địa điểm cách ly tập trung với cơ sở vật chất thiết yếu để sẵn sàng đón người bị cách ly ở chính xã, phường, thị trấn đó. Các địa phương cần chủ động lập danh sách các lực lượng chức năng, nhân viên y tế sẵn sàng tham gia chống dịch.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các tổ COVID-19 cộng đồng đến từng nhà dân để nhắc nhở người dân khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng dịch nơi công cộng, khi sử dụng các phương tiện giao thông, nhất là các hoạt động mua bán, họp chợ, tập trung đông người, đặc biệt trong những ngày giáp Tết Tân Sửu.
Từ việc dịch COVID-19 bùng phát ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử POYUN Việt Nam có trụ sở trong Khu Công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và lãnh đạo các địa phương lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các doanh nghiệp về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, tỉnh có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp ở các vùng có dịch, khuyến khích các doanh nghiệp khác tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên trước khi về ăn Tết và sau khi trở lại làm việc bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp.
Tỉnh Hải Dương lập chốt kiểm dịch tại cổng các khu công nghiệp trên địa bàn và các doanh nghiệp lớn. Chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát các khu nhà công nhân ở trọ; lập danh sách, số điện thoại và yêu cầu 100% công nhân thực hiện khai báo y tế, cài đặt phần mềm BlueZone; quản lý chặt chẽ số công nhân tỉnh ngoài ở lại Hải Dương trong dịp Tết Nguyên đán.
Đối với yếu tố dịch tễ phức tạp của ca bệnh Đ.N.Đ ở thị trấn Lai Cách và hai bệnh nhân nữ là tiếp viên quán Karaoke (F1 của bệnh nhân Đ.N.Đ), lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và cung cấp thông tin kết quả kịp thời nhất. Huyện Cẩm Giàng xây dựng kịch bản phong tỏa toàn huyện và phương án xử lý tình huống khi một số doanh nghiệp trên địa bàn xuất hiện bệnh nhân dương tính với COVID-19. Đồng thời, huyện chuẩn bị ngay các địa điểm cách ly tập trung cùng các nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và phương án có thể tiếp nhận cách ly với số lượng hàng nghìn người.
Để bảo đảm công tác vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ quan chức năng tổng hợp nhu cầu vận chuyển, lập danh sách phương tiện, lái xe; xét nghiệm, cấp Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm cho lái xe, cấp logo cho phương tiện vận chuyển xuất trình lực lượng chức năng khi qua những chốt phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhân dịp Tết cổ truyền, Hải Dương quyết định nâng mức hỗ trợ suất ăn trong 3 ngày Tết, tặng quà Tết động viên người bị cách ly tập trung cũng như các lực lượng trực phòng, chống COVID-19; tặng quà Tết động viên các bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tham gia ở các chốt gác kiểm dịch, phục vụ công tác cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương …
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương Hải Dương, đến 6 giờ ngày 4/2, Hải Dương đã ghi nhận 277 ca mắc COVID-19; trong đó Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử POYUN Việt Nam có 195 ca. Có 32 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương có ca mắc COVID-19 gồm: Thành phố Chí Linh, thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách, Kim Thành, Ninh Giang, Cẩm Giàng.
Trong ngày 3/2, các lực lượng chức năng đã lấy được 13.322 mẫu (trong đó có 189 F1, 388 mẫu ho, sốt tại cộng đồng) để xét nghiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!