Hà Tĩnh: Khai thác lấn ngoài mỏ, một chủ mỏ đất bị đề nghị xem xét hình sự

Nguyễn Quân (T/h)-Thứ ba, ngày 22/10/2024 05:40 GMT+7

Mỏ Động Ván có địa chỉ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

VTV.vn - Một công ty tại Hà Tĩnh bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự do khai thác ngoài ranh giới mỏ, vượt quá công suất quy định, sai phạm hơn 6 tỷ đồng.

Ngày 21/10, tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa có văn bản chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính trong khai thác khoáng sản tới Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình, do ông Trần Xuân Thoại (SN 1959, trú tại xã Kỳ Thư, H. Kỳ Anh) làm giám đốc.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh, Công ty CP Thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 4230/GP-UBND, ngày 27/12/2019, để khai thác mỏ đất san lấp núi Động Ván (phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) với diện tích 10ha, mức sâu khai thác thấp nhất +75m, trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác 1.658.850m³, công suất khai thác 95.000m³ nguyên khai/năm, thời hạn 18 năm.

Về khai thác ngoài ranh giới mỏ, qua kết quả kiểm tra ngày 4/3/2024, tại mỏ đất san lấp núi Động Ván và kết quả làm việc ngày 20/3/2024 của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cho thấy, Công ty CP Thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình đã thực hiện khai thác khoáng sản sai với giấy phép được cấp.

Cụ thể, Công ty CP Thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) với tổng diện tích khoảng 16.897m². Khối lượng đất đào ở khu vực ngoài ranh giới mỏ được cấp khoảng 142.558m³ ở thể tự nhiên (tương đương: 142.558m³ x 1,15 = 163.942m³ đất nguyên khai; 1,15 là hệ số nở rời của đất tại khu vực mỏ đã được áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản).

Với khối lượng đất đào nguyên khai ngoài ranh giới mỏ, nhân với giá tính thuế tài nguyên đối với đất san lấp (quy định tại Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 30/9/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh là 38.000 đồng/m3) thì ước tính giá trị khoáng sản gần 6,3 tỷ đồng, có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự (khai thác không đúng với nội dung giấy phép với khoáng sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên).

Về hành vi khai thác vượt công suất cho phép, năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 202/STNMT-KS, ngày 12/1/2024 báo cáo, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định Số 36/2020/ND-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bởi hành vi khai thác quá trữ lượng cho phép.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, Sở Tư pháp đã có Văn bản Số 125/STP-TTr, ngày 22/01/2024, đề nghị "UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự đối với Công ty CP Thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, để điều tra về hành vi khai thác khoáng sản không đúng với nội dung giấy phép theo quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên thì mới tiến hành xử phạt vi phạm hành chính".

Căn cứ vào các hành vi nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, quyết định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước