Thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng được xây dựng hàng rào sau khi phiên tòa Phúc thẩm công bố quyết định.
Thời gian qua, tình trạng mua bán đất đai không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất) đang diễn ra ở khắp mọi nơi, nhiều người đã "té ngửa" khi phát hiện mảnh đất mình đang sử dụng không hề có giá trị pháp lý.
Câu chuyện mua bán đất lâm nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Tân Trung, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) dưới đây là một ví dụ.
Thửa đất của gia đình ông Hùng bị san gạt trái phép
Mua bán đất không đầy đủ giấy tờ, người dân "ngậm ngùi" trước nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Tân Trung, xã Hương Trạch) buồn bã chia sẻ: Do không nắm vững về pháp luật, năm 2020 gia đình tôi có mua lại thửa số 25, tờ bản đồ 85 với giá 320 triệu đồng.
"Tôi được biết, năm 2002 gia đình bà Dương Thị Thuận có khai hoang trồng cây và được UBND xã Hương Trạch, Ban quản lý dự án IFAD tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch hỗ trợ trồng rừng đến năm 2012 gia đình bà Thuận đã chuyển nhượng lại mảnh đất này cho ông Nguyễn Bảo Hiến, sau đó ông Hiến bán lại cho gia đình tôi".
Điều đáng nói, thửa đất này có nguồn gốc Lâm bạ 128/VP-UB, ngày 25/9/1993, UBND huyện Hương Khê đã giao cho ông Võ Phương Thìn, nhưng ông Thìn không sử dụng mà cho anh Nguyễn Văn Thắng mượn. Sau khi anh Thắng qua đời, bà Dương Thị Thuận (là mẹ của anh Thắng) đã bán mảnh đất này cho ông Nguyễn Bảo Hiến.
Theo đó, năm 2023, gia đình ông Võ Phương Thìn và gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đã xảy ra tranh chấp mảnh đất số 25, tờ bản đồ 85.
Tuy nhiên, bà Dương Thị Thuận (người bán mảnh đất cho ông Hiến) lại khẳng định: "Anh Nguyễn Văn Thắng (đã mất), không hề mượn mảnh đất số 25, tờ bản đồ 85 của ông Thìn, mảnh đất này là do gia đình bà khai hoang. Căn cứ theo Quy chế ghi rõ trong Lâm bạ, sau một năm người được giao mảnh đất không sản xuất kinh doanh thì Nhà nước sẽ thu hồi lại mảnh đất đó".
Mặt khác, ông Trần Minh Lục (nguyên Chủ tịch UBND xã Hương Trạch giai đoạn 1994 - 2004) và ông Trần Văn Lượng (nguyên cán bộ, viên chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh) cùng khẳng định: Trước khi đo đạc thiết kế hiện trạng dự án trồng rừng IFAD tại tiểu khu 245, thuộc địa bàn xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, diện tích đất nêu trên là đất trống đồi trọc, sau khi thiết kế xong đã được cơ quan chức năng thẩm định, nghiệm thu phê duyệt và cho phép trồng mới cây keo tràm.
"Diện tích 3,1ha đất nói trên đã được thiết kế, đo đạc vào năm 2002 và giao cho hộ ông Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Bình, Dương Thị Thuận (cùng gia đình) sử dụng trồng cây keo tràm".
Như vậy, xét theo mọi khía cạnh thì ông Nguyễn Văn Hùng vẫn là người chịu thiệt hại lớn nhất về kinh tế, nhưng ai sẽ đền bù cho những thiệt hại đó thì thật khó để khẳng định.
Tranh cãi "nảy lửa" sau mỗi phiên tòa.
Trước sự việc trên, ngày 15/5/2023, Tòa án Nhân dân huyện Hương Khê đã mở phiên xét xử sơ thẩm và ban hành Bản án số 01/2023/DS-ST, về việc tranh chấp đòi lại đất của ông Võ Phương Thìn.
Ông Nguyễn Văn Hùng buồn bã khi nói về mảnh đất xảy ra tranh chấp
Căn cứ vào tài liệu của cơ quan thẩm quyền và quy định của Pháp luật Tòa án huyện Hương Khê cho rằng: Thửa đất ông Thìn đòi lại có nguồn gốc Lâm bạ 128/VP-UB ngày 25/9/1993, UBND huyện Hương Khê giao cho ông Thìn nhưng ông Thìn không sử dụng, quản lý. Từ năm 2002 gia đình bà Thuận khai hoang trồng cây và đã được UBND xã Hương Trạch và Ban quản lý dự án IFAD tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch hỗ trợ trồng rừng đến năm 2012. Khi chưa được cấp GCNQSD đất bà Thuận đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Bảo Hiến. Quá trình sử dụng và chuyển nhượng đất không phát sinh tranh chấp.
Đồng thời, căn cứ Quy chế ghi rõ trong Lâm bạ cùng những chứng cứ khác thu thập được, Tòa sơ thẩm khẳng định "từ năm 1993 ông Thìn chưa có tác động vào thửa đất, mặc nhiên thừa nhận phần đất này do người khác quản lý, từ năm 2002 đến nay bà Thuận và những người khác sử dụng liên tục". Vì vậy Tòa Sơ thẩm đã bác yêu cầu đòi lại đất của ông Võ Phương Thìn. Đồng thời, tuyên bố việc chuyển nhượng đất của các gia đình bà Thuận, ông Hiến, ông Hùng là không đúng quy định của Pháp luật.
Không chấp nhận kết quả của bản án sơ thẩm, ông Võ Phương Thìn đã kháng án và được Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử Phúc thẩm, ra "Bản án số 31/2023/DS-PT ngày 09/9/2023 về việc tranh chấp đòi lại đất".
Tại phiên xét xử, Tòa Phúc thẩm nhận định: "Ông Võ Phương Thìn được cấp Lâm bạ 128/VP thì đã được giao đất trên thực địa và triển khai trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc. Bản án sơ thẩm cho rằng nguyên đơn không chứng minh được yếu tố sử dụng đất là chưa đầy đủ, khách quan các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án về quá trình sử dụng đất của nguyên đơn". Do vậy, buộc gia đình ông Nguyễn Văn Hùng phải trả lại thửa đất số 25 tờ bản đồ 85 và bán giao tài sản trên đất cho ông Võ Phương Thìn.
Là người trực tiếp dự 2 phiên tòa nói trên, ông Phan Anh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết: Diện tích 3,1 ha đất xứ Hốc Lấm nằm trong sổ Lâm bạ số 128/VP-UB, ngày 29/5/1993 do UBND huyện Hương Khê cấp cho ông Võ Phương Thìn. Sau khi cấp Lâm bạ các hộ tự chia đất hay sử dụng như thế nào thì UBND xã Hương Trạch không biết. UBND xã và các cơ quan Nhà nước không giao đất thực địa cho ông Thìn cũng như các hộ gia đình khác. Trước năm 1993, phần đất này do xã quản lý, từ năm 1993 - 2001 UBND xã không biết hộ nào sử dụng.
Bên cạnh đó, từ năm 2002 - 2012 phần diện tích này do gia đình ông Nguyễn Văn Bính, bà Dương Thị Thuận và anh Nguyễn Văn Thắng (con trai) là thành viên dự án IFAD trồng rừng sử dụng. Gần đây, năm 2020 ông Hiến chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Hùng sử dụng, từ đó phát sinh tranh chấp.
"Trong phiên tòa UBND xã Hương Trạch có đề nghị Tòa án xem xét yếu tố sử dụng đất của các hộ gia đình bà Thuận và ông Hiến, bà Thủy. Bên cạnh đó, nên cân nhắc việc gia đình ông Thìn đã được Nhà nước cấp diện tích đất rừng rất nhiều để giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật", ông Thái cho biết thêm.
Trao đổi PV Thời báo VTV, ông Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn chia sẻ: "Gia đình tôi sẽ tiếp tục thuê luật sư và kháng nghị lên Giám đốc thẩm".
Chưa rõ, mâu thuẫn về đất đai ở đây sẽ kéo dài đến khi nào, nhưng hệ quả là "kẻ khóc, người cười" và tình cảm xóm làng vốn "khăng khít" giờ trở thành nỗi oán hận mà không biết đến khi nào mới nguôi ngoai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!