Hà Nội: Liên kết xe đạp công cộng, xe bus giữa các tuyến metro

Mạnh Tú, Đình Trung-Thứ hai, ngày 12/08/2024 10:09 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội đang nỗ lực giảm ùn tắc giao thông bằng cách liên kết các loại hình vận tải công cộng, giúp tiết kiệm thời gian và giảm áp lực giao thông.

Thành phố Hà Nội đang đối mặt với tình trạng quá tải giao thông do mỗi năm tăng thêm gần 400 nghìn phương tiện cá nhân. Để giảm áp lực này, phát triển hệ thống giao thông công cộng được xem là giải pháp hiệu quả nhất. Thành phố không chỉ triển khai các hình thức vận tải mới mà còn chú trọng đến việc liên kết các loại hình giao thông công cộng, nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân.

Hiện tại, Hà Nội đã có 2 tuyến đường sắt đô thị hoạt động là Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao của Nhổn - Ga Hà Nội, phục vụ hơn 700 nghìn lượt khách mỗi ngày. Để cải thiện sự kết nối, thành phố đã xây dựng tuyến đường dành riêng cho xe đạp và kết nối nhiều tuyến bus giữa các tuyến đường sắt.

Em Trương Minh Sơn, học sinh cho biết: "Ga tàu điện đường Láng thuộc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là phương tiện đi học chính của tôi trong suốt 2 năm qua. Tôi thấy việc sử dụng xe đạp công cộng kết hợp với tàu điện giúp tôi tiết kiệm thời gian rất nhiều, từ gần 1 giờ xuống còn khoảng 20 phút."

Bên cạnh xe đạp, xe bus là một sự lựa chọn phổ biến của hành khách. 36 tuyến xe bus hiện đã được kết nối với tuyến đường sắt đoạn Nhổn - Ga Cầu Giấy, với các điểm dừng chờ gần lối lên xuống ga tàu, tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người yếu thế. Anh Hồ Văn Minh Nhật, sinh viên, nhận xét: "Sự kết nối giữa tàu và xe bus rất tiện lợi. Điều này không chỉ giúp hành khách di chuyển dễ dàng hơn mà còn thúc đẩy văn hóa giao thông công cộng phát triển."

Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch Vận hành tại Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Công cộng Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu và thí điểm vé điện tử liên thông qua ứng dụng điện thoại và cả vé điện tử phi vật lý để người dân có thể sử dụng nhiều loại phương tiện công cộng mà không phải thanh toán nhiều lần."

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị. Đây không chỉ là nền tảng để phát triển hệ thống giao thông công cộng mà còn là giải pháp cho bài toán hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước