Trong vòng 5 năm qua, số lượng tàu cá trên cả nước giảm khoảng 20.000 chiếc. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Hiện số lượng tàu cá của cả nước là khoảng trên 91.700 tàu. Với mục tiêu mới mà dự thảo Quy hoạch đề ra, Việt Nam sẽ giảm đi hơn 8.000 tàu vào năm 2030. Điều này thể hiện quyết tâm hướng đến mục tiêu phát triển một ngành thủy sản bền vững, trách nhiệm của Việt Nam.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT đang trong giai đoạn cuối trước khi trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ giảm số lượng tàu cá.
Mục tiêu của dự thảo là quy hoạch khai thác thủy sản một cách bền vững. Trong đó, tiếp tục giảm số lượng tàu cá xuống còn 83.600 chiếc vào năm 2030.
Theo lộ trình giảm số lượng tàu cá chung của cả nước, địa phương giảm tối thiểu 12% tổng số tàu cá so với năm 2020, từ giờ đến 2030, nhằm bảo đảm phát triển khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Song song với định hướng "tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác", dự thảo cũng đề cao công tác bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản. Từ giờ đến năm 2030, cả nước sẽ duy trì hoạt động và thành lập mới 29 khu bảo tồn biển. Trong đó, theo phân hạng khu bảo tồn có 2 vườn quốc gia, 12 khu dự trữ thiên nhiên và 15 khu bảo tồn loài - sinh cảnh; theo phân cấp có 11 khu bảo tồn biển cấp quốc gia và 18 khu bảo tồn biển cấp tỉnh.
Đồng thời, 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản được hình thành. Cùng với đó, ngành thủy sản thực hiện lưu giữ 113 nguồn gen loài nguy cấp, quý, hiếm, bản địa, đặc hữu, có giá trị kinh tế và khoa học; bảo vệ đường di cư sinh sản tự nhiên của 32 loài thủy sản, gồm 20 loài cá, 5 loài rùa biển, 2 loài tôm, 4 loài mực và 1 loài ghẹ.
Trên vùng nội địa, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ quy hoạch 63 khu bảo vệ, trong đó 14 khu trên hồ và 49 khu trên sông. Ngoài ra, xác định 53 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, với 19 khu trên hồ và 34 khu trên sông.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu lưu giữ nguồn gen của 40 loài thủy sản; tiếp tục bảo vệ đường di cư tự nhiên của 5 loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là cá mòi cờ chấm, cá mòi cờ hoa, cá chình bông, cá chình mun, cá cháy và 8 loài khác gồm: cá anh vũ, cá lăng chấm, cá chiên, cá tra dầu, cá hô, cá vồ cờ, cá chài, cà ra.
Để đạt những mục tiêu trên, ngành thủy sản dự kiến khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích 2,89 triệu ha (khoảng 2,89% tổng diện tích vùng biển). Trong đó, khu bảo tồn biển là 0,4 triệu ha; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn khoảng 1,75 triệu ha; khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khoảng 0,65 triệu ha; khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản khoảng 25.300 ha.
Trên sông, hồ, tổng diện tích khu vực được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản là khoảng 36.500 ha. Bên cạnh đó, dự thảo xác định tổng diện tích đất và mặt nước cho phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tối thiểu là 5.458 ha, trong đó 624 ha nằm trên đất liền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!